Sau 3 năm triển khai thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, đầu tháng 11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành đánh giá lại chương trình.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho biết: Đến năm học 2016-2017, việc triển khai chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh đã được thực hiện không chỉ ở các thành phố lớn mà còn diễn ra ở một số tỉnh miền núi, giáp biên giới như: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn...
Các thầy cô giáo truyền cảm hứng tốt về ngôn ngữ, giú trẻ em làm quen với tiếng Anh đã là một thành công của chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non. Ảnh: TTXVN
|
Theo báo cáo, cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Tổng số trẻ tham gia là gần 200.000 trẻ từ 3-6 tuổi. Trẻ được làm quen với tiếng Anh thông qua những chủ đề gần gũi, phù hợp với chương trình giáo dục mầm non. Trẻ được nghe nói những câu chào hỏi, giao tiếp thông thường, làm quen với bảng chữ cái, bài hát vui nhộn, con số, từ ngữ về bản thân, gia đình, động vật, phương tiện giao thông, màu sắc, cảm xúc…
Hiện có gần 3.000 giáo viên tham gia giúp trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, trong đó có 54% giáo viên có trình độ đại học, 15% giáo viên là người nước ngoài. Các thiết bị, học liệu phục vụ cho hoạt động làm quen với tiếng Anh của trẻ mà giáo viên sử dụng chủ yếu là máy vi tính, đầu đĩa, bảng tương tác, tranh ảnh, sách vở, đồ chơi…, cơ bản đáp ứng nhu cầu của trẻ và giáo viên.
Sau 3 năm triển khai thí điểm, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đều khẳng định, trẻ được làm quen với tiếng Anh có xu hướng tự tin hơn, nhạy bén hơn trong phát triển ngôn ngữ. Trẻ mạnh dạn đặt câu hỏi nhiều hơn, tìm từ và trả lời nhanh hơn, giao tiếp mạch lạc. Phần lớn các bậc cha mẹ không tiếc thời gian, công sức, kinh phí để đầu tư cho con được làm quen với tiếng Anh từ sớm, với mong muốn tạo tiền đề để sau này trẻ học tập tốt hơn, hòa nhập tốt hơn trong môi trường toàn cầu hóa. Việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh cũng góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên mầm non.
Lợi ích của ngoại ngữ nói chung là đã rõ nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay khi triển khai cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh được xem là thiếu một chương trình khung, "mỗi địa phương làm một phách" khiến nhiều ý kiến nghi ngại về tính hiệu quả.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Minh, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn như Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể; chưa có chương trình khung cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh cũng như quy định về thẩm định tài liệu, giáo trình khiến nhiều địa phương lúng túng trong triển khai do năng lực đội ngũ giáo viên còn hạn chế.
Cụ thể, vẫn đang xảy ra tình trạng mỗi nơi dạy một kiểu do đang giao các Sở GD-ĐT thẩm định. Tại TP Hồ Chí Minh, Sở GD-ĐT thẩm định và cho phép sử dụng 4 tài liệu để giảng dạy. Tại Hà Nội, số đơn vị được Sở GD-ĐT phê duyệt tài liệu gồm 14 trung tâm và 10 hệ thống trường mầm non tư thục.
Đối với đội ngũ giáo viên, hiện chưa có quy định cụ thể về việc ký hợp đồng, tuyển dụng giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên.
Từ thực tế địa phương, vì thiếu giáo viên nên địa phương đã phải liên kết với các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài để mời giáo viên đến dạy. Đặc biệt, giáo viên các trung tâm hầu hết chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mầm non lại thường xuyên không ổn định.
Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý cấp trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo còn hạn chế về năng lực ngoại ngữ nên khó khăn trong kiểm tra, đánh giá chất lượng tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh. Ở nhiều địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bên cạnh đó, theo quy định, các cơ sở giáo dục mầm non chỉ được tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh vào thời gian ngoại khóa, dẫn đến việc sắp xếp giáo viên và phòng học khó khăn.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cũng khẳng định thực tiễn triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Bộ sẽ đi khảo sát các địa phương, lấy ý kiến chuyên gia và chính địa phương đó để có sự lựa chọn, không thể liên kết tràn lan. Về hệ thống học liệu, hiện đang giao các Sở GD-ĐT thẩm định nên chưa đồng đều về năng lực. Vì vậy, thời gian tới sẽ phải có sự thống nhất. Bộ sẽ rà soát lại toàn bộ chương trình tiếng Anh liên kết.
Có thể nói, ở bậc học mầm non, quan trọng hơn tất cả là xây dựng niềm yêu thích một ngôn ngữ mới, sự hứng thú trong học tập với trẻ. Những quy định trong quản lý chất lượng là cần thiết nhưng rõ ràng, vẫn cần tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia, tiếp thu kinh nghiệm của các nước trước khi xây dựng một chương trình khung nhằm tránh cứng nhắc trong dạy và học ở lứa tuổi mầm non.