Cần quyết liệt với hành vi vi phạm
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực ven rạch Tây Ninh, đoạn gần chợ Phường 1, thành phố Tây Ninh; đoạn quốc lộ 22B qua huyện Châu Thành…, rác thải từ lâu là một nỗi ám ảnh của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Bình (45 tuổi, ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) bức xúc cho biết, trục quốc lộ 22B thường xuyên xuất hiện đủ mọi loại rác thải vương vãi gây mất mỹ quan đô thị. Các ngành chức năng cần quyết liệt ngăn chặn.
Trên thực tế, nếu ngành chức năng địa phương vào cuộc xử lý quyết liệt, đặc biệt với người cố tình vi phạm, vấn đề sẽ cơ bản được giải quyết. Trước tháng 10/2023, trên đoạn Quốc lộ 22B, khu vực trước cổng Trường mầm non Thái Bình, xã Thái Bình, huyện Châu Thành là “điểm đen” về xả rác thải sinh hoạt. Tại đây, mặc dù có bảng cấm đổ rác, một số người dân vẫn lén vứt rác gây mất mỹ quan kéo dài. UBND xã phối hợp với các lực lượng chức năng túc trực, bắt quả tang và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về hành vi vứt rác bừa bãi. Nhờ đó, đến nay, những “điểm đen” này cơ bản được giải quyết.
Ông Hồ Sỹ Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình, huyện Châu Thành cho biết, chính quyền địa phương luôn quan tâm tuyên truyền, nhắc nhở người dân đăng ký thu gom rác, không vứt rác nơi công cộng thông qua nhiều hình thức tuyên truyền như: Loa phát thanh, vận động trực tiếp, tuyên truyền trên mạng xã hội....
Thời điểm năm 2020, xã Thái Bình được công nhận xã Nông thôn mới nhưng mới chỉ có 700 - 800 hộ đăng ký thu gom rác trên các trục đường chính. Do đó, đối với các tuyến đường nhánh, hẻm mà xe chuyên dụng không vào lấy rác được, UBND xã đã thành lập tổ thu gom rác dân lập nhằm bảo đảm thu gom rác trên toàn địa bàn. Tại các buổi họp tổ dân cư tự quản, lãnh đạo UBND xã trực tiếp vận động người dân đăng ký thu gom. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, xã đã có thêm 500 hộ dân tuyến nhánh đăng ký, góp phần giải quyết được một lượng lớn rác thải trong khu dân cư.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng vứt rác thải ở các bãi đất trống trên các trục đường nhánh, trước mắt, UBND xã đã giao chỉ tiêu cho các ấp mỗi năm phát triển thêm ít nhất 50 hộ dân đăng ký thu gom. UBND xã sử dụng quỹ đất công để xây dựng hai khu tập kết rác tạm. Các xe tập kết rác đã không còn đặt trên các trục đường, giải quyết được bài toán về mỹ quan đô thị. Đồng thời, xã tận dụng hệ thống hơn 50 camera trên các trục đường để tiếp tục tuyên truyền, xử lý đối với các hành vi vi phạm về vứt rác bừa bãi.
Ông Hồ Sỹ Hiệp trăn trở, chế tài về mức xử phạt tiền hiện nay đối với hành vi vi phạm vứt rác sai quy định còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe (500.000 - 1 triệu đồng), nhẹ hơn quy định trước đây (từ 3 - 5 triệu đồng), do đó, chỉ chủ yếu tuyên truyền. Đáng nói, giải pháp địa phương đã triển khai quyết liệt, phần còn lại chỉ là ý thức của mọi tầng lớp nhân dân và sự chung tay bảo vệ môi trường của toàn xã hội.
Giải pháp xử lý các bất cập
Theo ông Văn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang triển khai thực hiện ký hợp đồng với các đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, ngành Tài nguyên và Môi trường đang gặp nhiều khó khăn như: lựa chọn đơn vị có năng lực đấu thầu thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt đến nơi xử lý, tỷ lệ người dân đăng ký tham gia thu gom rác thải sinh hoạt chưa cao… hiện các vùng ven đô thị, nông thôn vẫn còn tình trạng người dân cố tình không đăng ký, vứt rác bừa bãi hoặc “gửi nhà bên cạnh” gây mất mỹ quan đường phố, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là nhận thức của mỗi người dân.
Theo ông Văn Tiến Dũng, để giải quyết dứt điểm, đòi hỏi có sự nhận thức để thay đổi quan niệm, tư duy, từ đó thay đổi hành động, tạo thói quen phân loại rác tại nguồn.Sở đang phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, UBND các huyện thị xã, thành phố vận động tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi. Nhờ đó, tình trạng rác thải ở hai bên đường, nhất là tuyến quốc lộ đã giảm hơn trước rất nhiều.
Để người dân tự nguyện đăng ký thu gom rác thải, thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, địa phương cần cần triển khai tập huấn, tuyên truyền, vận động rộng rãi ở từng tổ dân phố, ấp, khu phố để họ nhận thức được trách nhiệm cần bảo vệ môi trường. Hiện nay, công tác này chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động mà chưa theo sát để hướng dẫn người dân, kiểm tra và có chế tài xử lý vi phạm… Mặt khác, để đồng bộ, chính quyền các cấp phải đầu tư về hạ tầng cơ sở từ thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp tham gia xử lý, tái chế rác thải. Tất cả phải cần thực hiện đồng bộ, có lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn nhất định, trong khi đó cơ sở hạ tầng các địa phương hiện nay chưa được đầu tư đồng bộ và đúng mức, ông Văn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh, hai nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động gồm Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tây Ninh (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) với công suất 300 tấn/ngày và Nhà máy xử lý rác của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường xanh Huê Phương VN có công suất 200 tấn/ngày.
Về giải pháp căn cơ hơn trong thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát sẽ được tăng cường. Đặc biệt, Sở phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ Nhà máy xử lý rác tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu của Công ty Cổ phần xử lý chất thải Tây Ninh (khoảng 24ha) để đưa vào hoạt động. Đồng thời, Sở tham mưu UBND kêu gọi đầu tư Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại; đưa vào quy hoạch hai khu xử lý rác thải Trảng Bàng và Tân Châu - Châu Thành.