Rác thải ngập ngụa tại vùng biển Giao Hải (Nam Định)

Rác thải các loại ngập ngụa, trôi nổi tại các khu vực cửa biển, khu neo đậu tàu thuyền, khu dân cư… dọc bờ biển xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đang gây ô nhiễm môi trường biển, môi trường sống địa phương.

Tỉnh Nam Định có đường bờ biển dài 72 km, có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, là thế mạnh để phát triển kinh tế biển và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng khai thác thủy sản tại địa phương thiếu kiểm soát, làm gia tăng lượng phát thải rác thải các loại, gây ra tình trạng tình trạng ô nhiễm môi trường dọc bờ biển đáng báo động. 

Chú thích ảnh
Rác thải do sóng đánh dạt vào bờ tồn đọng thành các bãi ngập ngụa dọc bờ biển Giao Hải.
Chú thích ảnh
Theo nhiều ngư dân sinh sống tại đây, rác thải phần lớn do hoạt động tàu thuyền đánh bắt, nuôi trồng thủy sản... vứt bỏ.

Theo chân Đoàn Thanh niên tình nguyện thực hiện chiến dịch làm sạch biển do UBND tỉnh Nam Định và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây dọc bờ biển xã Giao Hải, phóng viên ghi nhận các loại rác thải chủ yếu là túi nilon, chai nhựa, bình thủy tinh, lốp cao su, đệm mút… đã qua sử dụng bị bỏ tràn lan dọc gần 2 km bờ biển địa phương. Tình trạng này lâu ngày chưa được thu gom, xử lý, không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mà còn gây mất mỹ quan, nản lòng du khách. 

Chú thích ảnh
Thanh niên tình nguyện thu gom rác, làm sạch biển,
Chú thích ảnh
Rác thải là túi bóng, nilon khó tiêu hủy.

Theo nhiều ngư dân sinh sống tại đây, các loại rác thải này phần lớn do hoạt động, sinh hoạt của các tàu thuyền đánh bắt, các hộ nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền vận tải biển vứt bỏ và bị sóng đánh dạt vào bờ. Lâu ngày không có người thu gom, hình thành các bãi chất rác thải dọc bờ biển… Nhiều năm nay, tình trạng rác thải dọc bờ biển Giao Hải gần như “bỏ ngỏ”, hoạt động thu gom, xử lý chủ yếu do người dân sinh sống ven biển tại đây thực hiện 3 lần/năm, bằng nguồn kinh phí tự đóng góp, thông qua các hình thức đốt rác tại chỗ. 

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Thu, người dân ven biển địa phương chia sẻ. 

Chị Nguyễn Thị Thu, người dân ven biển cho biết: Một năm, khoảng 3 đợt người dân tự dọn vệ sinh, gom rác với nhau, tự tìm cách bảo vệ môi trường, nhưng việc dọn dẹp không xuể vì quá nhiều rác. Đa phần các hoạt động bảo vệ môi trường biển đều do các ngư dân ở đây tự giác làm vì mong muốn môi trường biển được cải thiện. Nếu các cấp chính quyền địa phương không sớm có kế hoạch làm sạch bãi biển giúp ngư dân bảo vệ môi trường, nguy cơ chất lượng thuỷ hải sản và năng suất nuôi trồng sẽ đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng, thiệt hại. 

Qua tìm hiểu của phóng viên, các xã ven biển cũng huyện Giao Thủy đã có nhiều chương trình phối hợp làm sạch biển, tuyên truyền tới ngư dân về sử dụng có ý thức các sản phẩm tự nhựa, thủy tình và tự giác thu gom, phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ tại nguồn. Nhiều chương trình như: Đoàn viên thanh niên làm sạch biển, xây dựng xã nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu… đều lồng ghép, hướng dẫn bà con bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, do không duy trì thường xuyên, nên tình trạng rác thải bờ biển vẫn phát sinh… 

Trước thực tế này, hiện nay, các xã ven biển Giao Thủy đã tham mưu UBND huyện xây dựng các giải pháp về chính sách, truyền thông, xử lý rác thải và đang tăng cường các chiến dịch làm sạch biển để người dân tự nhận thấy được tác hại của rác thải ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ, từng bước nâng cao ý thức tự giác trong quá trình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. 

Tin, ảnh: Quỳnh Anh/Báo Tin tức
Kiểm soát các 'điểm nóng', 'điểm đen' về ô nhiễm môi trường tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Kiểm soát các 'điểm nóng', 'điểm đen' về ô nhiễm môi trường tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhờ sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương cùng nỗ lực của ngành Tài nguyên và Môi trường, các “điểm nóng”, “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản được kiểm soát chặt chẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN