Kiểm soát các 'điểm nóng', 'điểm đen' về ô nhiễm môi trường tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhờ sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương cùng nỗ lực của ngành Tài nguyên và Môi trường, các “điểm nóng”, “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản được kiểm soát chặt chẽ.

Cơ bản kiểm soát các “điểm đen”, “điểm nóng” môi trường

Chú thích ảnh
Ao Hải Hà, trước đây là một "điểm đen" về ô nhiễm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay đã được kiểm soát tốt về môi trường.

Ao Hải Hà thuộc khu phố Hải Hà 1 và Hải Hà 2, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, trước đây là điểm “đen” về ô nhiễm môi trường của tỉnh. Vào thời điểm trước COVID-19 năm 2020, tại đây có 91 cơ sở thu mua, sơ chế hải sản hoạt động. Những cơ sở này, sau khi thu mua hải sản của ngư dân ngay dưới biển sẽ đem lên sơ chế, nước thải được xả trực tiếp xuống bãi cát và chảy thẳng xuống biển không qua xử lý. Việc xả thẳng nước thải, chất thải xuống biển khiến cát ở khu vực này nhuốm màu đen, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, rác thải không ai thu gom xả thẳng ra môi trường… Khu vực này luôn trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng, được liệt vào danh sách là “điểm đen” về môi trường của tỉnh.

Hơn 2 năm qua, địa phương thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường huyện Long Điền. Ao Hải Hà là một trong những điểm về ô nhiễm được chính quyền quyết liệt xử lý.

Ông Nguyễn Thành Vân, Chủ tịch UBND thị trấn Long Hải, huyện Long Điền cho biết, ngay sau khi COVID-19 được kiểm soát, số cơ sở sơ chế hải sản tại khu vực ao Hải Hà được chính quyền địa phương quyết liệt di dời, chấm dứt hoạt động. Nhờ đó, khu vực này không còn tình trạng ô nhiễm do xả thải trực tiếp ra môi trường. Hiện nay, hàng tuần, hàng tháng, chính quyền địa phương cho đội ngũ công nhân vệ sinh dọn dẹp bãi biển.

Đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực này đã được xử lý cơ bản, không còn nước thải từ hoạt động chế biến hải sản xả ra môi trường, rác thải sinh hoạt đã thu gom gần 100%... Trong tương lai, khu vực ao Hải Hà sẽ được quy hoạch là khu vực du lịch - dịch vụ của huyện, tỉnh.

Hồ nước rộng hàng chục hecta trước khu vực cống số 6 đê Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ cách đây vài năm là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nằm sát hồ nước là các nhà máy chế biến hải sản hoạt động và xả trộm nước thải trực tiếp ra khu vực hồ, làm ô nhiễm nước. Nước trong hồ luôn trong tình trạng màu tím, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Cứ vào mùa mưa, nước trong hồ nhiều, cống số 6 bắt buộc phải xả ra khu vực sông Chà Và thuộc xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu - nơi có hàng trăm hộ nuôi cá lồng bè, khiến cá nuôi liên tục bị chết, thiệt hại hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Các hộ nuôi cá đã khởi kiện 14 doanh nghiệp xả thải ra tòa và các doanh nghiệp thua kiện phải đền bù 13 tỷ đồng thiệt hại.

Sau đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chi hàng chục tỷ đồng để cải tạo hồ chứa nước này và di dời một số nhà máy gây ô nhiễm về khu chế biến hải sản tập trung tại khu vực xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. Nhờ đó, từ năm 2018, môi trường nước tại khu vực này đã dần hết ô nhiễm. Năm 2019, 2020, khu vực cống số 6 đã được rút tên khỏi danh sách các điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến tháng 3/2021, khu vực này lại tái diễn và đã được các cơ quan liên quan của tỉnh xử lý triệt để. Đến nay, khu vực này đã không còn doanh nghiệp nào hoạt động, hồ nước trước khu vực cống số 6 đã được trả lại môi trường trong lành.

Theo đại diện Trung tâm Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, phụ trách khu vực cống số 6 cho biết, 2 năm nay, khu vực hồ nước đê Chu Hải đã không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, cá của các hộ nuôi lồng bè ở khu vực sông Chà Và không xảy ra tình trạng bị chết hàng loạt mỗi khi cống số 6 điều tiết xả nước.

Chú thích ảnh
Trước đây, các cơ sở chế biến cá xả trực tiếp nước thải xuống bãi biển khu vực ao Hải Hà, khiến nơi đây trở thành "điểm đen" về ô nhiễm, đến nay, huyện Long Điền đã kiểm soát tốt môi trường tại khu vực này. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, địa bàn tỉnh có 6 địa phương là huyện Long Điền, Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ đã cơ bản hoàn thành được việc quản lý các “điểm đen”, “điểm nóng” về môi trường. Chỉ còn thành phố Vũng Tàu là chưa hoàn thành việc này.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, toàn tỉnh có 6 “điểm nóng” ô nhiễm nhưng đang được các địa phương kiểm soát tốt. Trong đó, các hoạt động chế biến mủ cao su, khắc phục cơ bản ô nhiễm khu vực cổng số 6 (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ) không để ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng thủy hải sản trên sông Chà Và… Các địa phương đã rà soát và thống kê có 66 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường gồm: 36 “điểm đen” là hoạt động của các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi và 30 “điểm đen” công cộng. Các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và từng bước thực hiện các biện pháp để rút dần các “điểm đen” ô nhiễm, trả lại môi trường trong lành cho khu dân cư.

Nhiều giải pháp quyết liệt

Từ tháng 5/2018 đến nay, thực hiện Chỉ thị 27-CT/TU, công tác quản lý, bảo vệ môi trường, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các nhiệm vụ, giải pháp đang tiếp tục được thực hiện theo tiến độ, chủ yếu liên quan đến nhiệm vụ, dự án, đề án để cải thiện, khắc phục ô nhiễm, phục vụ di dời, chấm dứt, dừng hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Để triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng ngừa, cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường tại các “điểm nóng”, “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, tỉnh tổ chức di dời các cơ sở giết mổ, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Bà Rịa vào các Cụm công nghiệp Hòa Long, Long Phước; di dời các cơ sở chế biến hải sản vào các Cụm công nghiệp Lộc An, Bình Châu. Bà Rịa - Vũng Tàu điều tra, khảo sát thực trạng từng cơ sở cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di dời, chuyển đổi ngành nghề hoặc chấm dứt hoạt động để đánh giá, xác định, lập danh sách, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và dự trù kinh phí thực hiện chi tiết giai đoạn tiếp theo...

Chú thích ảnh
Trước đây, mỗi khi điều nước xả ra sông Chà Và, Cống số 6 khiến hàng trăm hộ nuôi cá trên sông bị chết hàng loạt, nay môi trường nước đã được đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, Sở tăng cường kiểm soát hoạt động đối với các cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn thông qua các Tổ giám sát cộng đồng, Tổ tự quản môi trường, từ đó phát huy được vai trò của quần chúng nhân dân trong tích cực tham gia giám sát hoạt động xả thải, kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý; đồng thời tăng cường yêu cầu đầu tư các hệ thống, thiết bị quan trắc tự động theo quy định để theo dõi, giám sát xả thải; kiểm soát chặt chẽ khí thải, bụi từ các cơ sở sản xuất công nghiệp thông qua các hệ thống quan trắc tự động. Hiện nay, 79 trạm quan trắc tự động khí thải, bụi đã được đầu tư và truyền dữ liệu về Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn luôn diễn biến phức tạp, lượng chất thải thải ra môi trường theo hoạt động sản xuất ngày càng gia tăng. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh tập trung ở các lĩnh vực: Chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến hải sản; luyện, cán thép…

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành thường xuyên, đột xuất tại các “điểm nóng”, “điểm đen” về môi trường để kịp thời đề xuất xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định. Nếu phát hiện tình trạng xả thải trái phép ra môi trường, người dân có thể báo ngay đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Phạt 125 triệu đồng với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long
Phạt 125 triệu đồng với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long

Ngày 7/11, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định số 38/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Đỗ Gia Capital vì liên quan đến việc trong quá trình thi công dự án đô thị đã gây ô nhiễm môi trường Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN