Sau thời gian dài giãn cách, tối thứ 7 ngày 16/10, trời mưa, se lạnh nhưng vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Duy, phố An Dương, quận Tây Hồ đã mời bố mẹ tới thưởng thức bữa tối tại Quán À La Carte trên phố Lý Thường Kiệt; đồng thời tổ chức sớm dịp 20/10. Ánh đèn sắc màu rực rỡ, tiếng nhạc du dương khiến ai cũng cảm thấy vui và ấm áp sau những ngày tháng căng thẳng về dịch bệnh.
Mặc dù khách tới quán chưa đông nhưng chủ quán À La Carte kỳ vọng từ nay tới cuối năm, tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc, nhất là chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã thay đổi, đó là “sống chung với dịch một cách an toàn”; từng bước khôi phục nền kinh tế, sản xuất kinh doanh; đồng nghĩa với việc nhu cầu giao dịch, tiếp khách, ăn uống của nhiều thực khách sẽ tăng, quán xá sẽ “hồi sinh” trở lại.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 17/10, anh Dương Thái Long, chủ quán lẩu Trư Ký Hotpot, số 63 phố Trần Nhân Tông cho biết: “Mấy ngày qua, lượng khách tới quán tăng dần, đặc biệt 2 ngày nghỉ cuối tuần. Dự kiến dịp ngày lễ 20/10, lượng khách đặt bàn sẽ tăng cao”.
Theo anh Dương Thái Long, khác với đợt giãn cách lầu đầu tiên năm 2020, đợt giãn cách vừa qua kéo dài do COVID-19 bùng phát phức tạp nhưng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của lẩu Trư Ký Hotpot vì quán vẫn duy trì bán hàng online. Đặc thù quán là các món lẩu là món chính cải thiện cuối tuần, liên hoan gia đình nên nhu cầu của khách hàng không giảm. Hiện, doanh số của quán vẫn đến từ 2 nguồn là phục vụ khách tại chỗ và mua mang về. Mấy ngày mưa, lạnh đồ ăn vẫn bán chạy như: Lẩu thái tomyum, lẩu cháo chim và món signature chim quay mắc mật - phù hợp cho gia đình có bạn nhỏ.
Mặc dù Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đã nới lỏng, mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại nhưng giá một số nguyên liệu đầu vào đã tăng 15 - 20%, thậm chí 50% so với trước đây. Mặc dù vậy nhưng các mặt hàng hải sản, rau, nấm... cửa hàng không tăng giá.
“COVID-19 kéo dài, thu nhập của người dân giảm; đồng thời để khuyến khích các khách hàng quay trở lại quán, lẩu Trư Ký Hotpot chấp nhận giảm lợi nhuận, không tăng giá bán”, chủ lẩu Trư Ký Hotpot chia sẻ. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống tại văn phòng, nhất là dịp cuối năm, lẩu Trư Ký Hotpot vừa ra mắt dịch vụ "Full service", khách được mượn miễn phí các loại bếp, nồi, bát đũa thìa ăn.
Khảo sát của phóng viên Báo Tin tức tại các tuyến phố Khuất Duy Tiến, Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Mai Hắc Đế, Trần Nhân Tông, Bạch Mai… lượng khách tới quán ăn, đặc biệt hàng cà phê, đồ uống nhộn nhịp hơn dù tiết trời lạnh và mưa. Sau 2 tháng Hà Nội giãn cách xã hội, nhiều người dân có nhu cầu gặp gỡ bạn bè tại quán khá đông.
Tại ngõ 77 Đặng Xuân Bảng, phố Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, các cửa hàng phở chuyên bò, bánh mỳ, xôi nóng, quán “Cà phê Đó”, cà phê “Hai - Bốn”, Coffee Takeaway, Kalina Café, đặc biệt đồ ăn nhanh Pizza Hut… đã đông khách trở lại, đặc biệt trong 2 ngày nghỉ cuối tuần.
“Lượng khách đến ăn chưa thể đông như những năm trước nhưng để phòng dịch, nhiều khách hàng cũng đã có thói quen tìm chỗ ngồi giãn cách; tăng cường mua mang về cho gia đình. Đây cũng là mô hình các quán khuyến khích vì dịch còn kéo dài”, anh Trương Quang Bình, chủ quán phở chuyên bò số 5/77 Đặng Xuân Bảng chia sẻ.
Trên phố Bạch Mai, các quán nhỏ như Bún ốc bà Sáu, Bún chân giò, bún riêu cua, đặc biệt chuỗi cửa hàng bán đồ nướng thu hút đông khách giới trẻ. Mỗi bàn ăn đều có vách ngăn nhằm tuân thủ phòng dịch nhưng diện tích của các quán này thường nhỏ nên việc tuân thủ 100% khó khả thi.
“Nếu như thời điểm Hà Nội chỉ cho khách hàng mua đồ ăn mang về, doanh thu bán hàng bị sụt giảm 60 - 70% thì nay lượng khách đã tăng trở lại. Do hạn chế chỗ ngồi nên quán tăng cường bán online”, chủ quán bún bung, phố Bạch Mai cho biết.
Theo chị Vũ Thanh Hương, chủ quán Tây Bắc (phố Lê Văn Hưu), mấy ngày nay, khách hàng tới quán đông, tăng 40% so với thời điểm chỉ được “bán mang về”. “Chúng tôi mong muốn chủ nhà tiếp tục giảm giá thuê mặt bằng vì "bão" COVID-19 càn quét gần 2 năm qua khiến nhiều cửa hàng kiệt quệ. Không ít nơi phải trả lại mặt bằng, nghỉ kinh doanh vì không đủ vốn”, chị Vũ Thanh Hương bày tỏ.
Sở hữu mặt bằng nhỏ trên phố Tăng Bạt Hổ, chủ quán bún bung, chị Trần Thị Đức Lợi cho biết: “Tuần tới, tôi mới mở cửa hàng nhưng cũng lo vì diện tích nhỏ. Nếu đông khách, quán cũng không thể phục vụ vì phải tuân thủ quy định phòng dịch của Hà Nội. Mặc dù mặt bằng của gia đình, nhân viên là người nhà nhưng phải bán được từ 30 bát trở lên mới có lãi".
Tuy nhiên theo chị Lợi, việc Hà Nội cho các quán ăn hoạt động trở lại cũng là niềm vui và hy vọng, dịch bệnh tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát, người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine, hàng quán sẽ đông trở lại. Nếu như các quán nhỏ có thể thích ứng được ngay sau khi Hà Nội đồng ý mở cửa trở lại thì những nhà hàng lớn phải có thời gian ổn định lại hoạt động.
Theo chị Vũ Thanh Nga, quản lý bán hàng - Làng Văn Hóa Ẩm Thực Nắng Sông Hồng, 306A Phú Viên, Long Biên, ngày 18/10 nhà hàng sẽ chính thức phục vụ khách hàng. “Dự kiến dịp này sẽ đông khách vì ngày 20/10 và sắp tới là ngày 20/11, cuối năm có nhiều hoạt động tiệc, họp, hội nghị của công ty, nhóm gia đình, bạn bè. Hiện đội ngũ quản lý, nhân viên nhà hàng đã tiêm 2 mũi vaccine; được xét nghiệm COVID-19 định kỳ; tuân thủ khẩu trang, rửa tay sát khuẩn để chuẩn bị phục vụ khách hàng một cách tốt nhất”, chị Thanh Nga cho biết.
Tương tự, nhà hàng “Tự do” trên phố Lê Đại Hành cũng sẽ mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 18/10 sau vài tháng đóng cửa, nhân viên nghỉ hàng loạt.
Chia sẻ của chị Vũ Thanh Nga - Quản lý bán hàng của Làng Văn hóa Du lịch và Ẩm thực Nắng Sông Hồng: