Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết Diễn đàn Vũ trụ Áo đã thành lập một căn cứ Sao Hỏa mô phỏng với cơ quan vũ trụ Israel tại miệng núi lửa Makhtesh Ramon sâu 500 m và rộng 40 km ở sa mạc Negev.
Sáu công dân Áo, Đức, Israel, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha được gọi là "phi hành gia tương tự" sẽ sống biệt lập trong căn cứ Sao Hỏa mô phỏng cho đến cuối tháng này. Hầu hết diện tích trạm căn cứ mô phỏng được dành cho các thí nghiệm khoa học. Các "phi hành gia" đều phải trải qua kiểm tra thể lực và tinh thần. Anh Alon Tenzer (36 tuổi) người Israel chia sẻ với AFP: “Đây thực sự là giấc mơ có thật. Là điều chúng tôi đã nỗ lực trong nhiều năm”.
Họ sẽ thử nghiệm mẫu thiết bị bay không người lái hoạt động không cần GPS cùng phương tiện lập bản đồ tự động năng lượng gió và Mặt Trời. Sứ mệnh tại Israel này cũng hướng tới nghiên cứu hành vi con người và hiệu ứng của việc cách ly đối với các phi hành gia.
Diễn đàn Vũ trụ Áo là tổ chức tư nhân do nhiều chuyên gia không gian vũ trụ thành lập và đã tổ chức 12 sứ mệnh, gần đây nhất là tại Oman năm 2018. Dự án tại Israel thuộc sứ mệnh Amadee-20 dự kiến khởi động từ năm 2020 nhưng bị trì hoãn vì dịch COVID-19.
Nữ phi hành gia người Đức Anika Mehlis chia sẻ cô rất vui khi được tham gia dự án. Cô sẽ nghiên cứu kịch bản trong đó vi khuẩn từ Trái Đất lây nhiễm sang các dạng sống tiềm tàng có thể được tìm thấy trên Sao Hỏa.
Ông Gernot Groemer, giám sát người Áo của dự án cho biết nhiệt độ tại Makhtesh Ramon là 25-30 độ C nhưng trên Sao Hỏa nhiệt độ chỉ là âm 60 độ C và không khí lại không phù hợp để hít thở.
Ông Groemer nói: “Những gì chúng tôi đang làm ở đây là chuẩn bị một sứ mệnh lớn, chuyến đi lớn nhất mà xã hội chúng ta từng thực hiện, vì Sao Hỏa và Trái đất cách nhau 380 triệu km ở điểm cực viễn của chúng. Tôi tin rằng con người đầu tiên đi bộ trên Sao Hỏa đã được sinh ra và chúng tôi là những người đóng tàu để thực hiện cuộc hành trình này".
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến sứ mệnh đầu tiên đưa người lên Sao Hỏa sẽ được thực hiện trong năm 2030.