Bún chả, một trong những món ăn Việt Nam được bạn bè quốc tế yêu thích. |
Điều làm nên sự khác biệt, hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam chính là tính hòa đồng, đa dạng, đậm đà hương vị, cân bằng âm - dương, chua - cay - mặn - ngọt hài hòa...
Ẩm thực Việt vẫn “ghi điểm” với du khách quốc tế nhờ vị ngon đậm đà, ẩn chứa giá trị triết học sâu sắc và vẻ đẹp tinh thần dân tộc ta gìn giữ suốt hàng ngàn năm văn hiến. Tuy vậy, ẩm thực Việt Nam vẫn chưa thể phát triển xứng tầm, chưa đánh giá cao để có đầu tư xứng đáng để phát huy giá trị.
Mới đây, Ban vận động thành lập Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã chính thức ra mắt. Ban vận động đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép thành lập Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nhằm kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, cá nhân là nhà nghiên cứu, chuyên gia đã và đang hoạt động và làm việc trong lĩnh vực văn hóa, ẩm thực trở thành hội viên.
Sứ mệnh của Hiệp hội là chung tay xây dựng văn hóa ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu của quốc gia. Đồng thời, tạo tiền đề để phát triển ngành du lịch Việt Nam theo phương hướng trở thành “Bếp ăn của thế giới”, trong đó trọng tâm là bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của ẩm thực Việt.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Viettravel, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho hay: Việt Nam có nguồn tài nguyên rất phong phú về ẩm thực do vậy cần phải đưa văn hóa ẩm thực đi trước để kéo theo các lĩnh vực khác cùng phát triển.
Nếu các lĩnh vực khác cần phải có lộ trình lâu dài, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật… thì ẩm thực có thể làm được ngay, mức đầu tư không lớn nhưng lại có thể trở thành lá cờ tiên phong cho các hoạt động của ngành công nghiệp chế biến nông, thủy hải sản và thực phẩm đi theo.
Khi phát triển ẩm thực thì kéo theo đó là cả một ngành công nghiệp chế biến đi theo, lúc này nó không chỉ còn đơn thuần là văn hóa mà đã thúc đẩy kinh tế phát triển.
Có thể kể đến tấm gương Hàn Quốc. Trước đây hàng hóa của xứ sở kim chi ít được chú ý, nhưng chỉ sau một thời gian đầu tư tập trung phát triển văn hóa, đẩy văn hóa đi trước một bước, làm cho thế giới hiểu hơn về văn hóa Hàn Quốc, từ đó thế giới nhìn nhận về đất nước này bằng con mắt khác, kinh tế cũng vì vậy mà phát triển theo. Ngày nay, nói đến hàng hóa, ẩm thực của Hàn Quốc thì người dân khắp nơi đều ưa chuộng.
Ở trong nước, chúng ta có nguồn lực dồi dào các loại rau củ cây trái, tôm cá… để đáp ứng nhu cầu ẩm thực. Nhưng điều quan trọng cần làm là chính sách, chiến lược để giúp người dân sản xuất, cung cấp nguồn liệu sạch, an toàn và chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu ẩm thực ngày càng cao của thực khách.
Với các nhà hàng, họ cần hỗ trợ để nâng tầm giá trị món ăn thành nghệ thuật ẩm thực, mặt khác cũng cần tư vấn cho họ cách bài trí không gian ẩm thực để quán ăn hấp dẫn, thân thiện, đậm bản sắc văn hóa Việt Nam để thu hút khách quốc tế.
Ngoài hệ thống nhà hàng trải dài khắp đất nước, phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách du lịch quốc tế, nội địa, hiện Việt Nam còn có hệt hống hàng chục ngàn nhà hàng ở nước ngoài do người Việt điều hành. Có thể coi đây là một kênh quảng bá, xúc tiến hết sức hiệu quả. Chính người Việt tại các nước này sẽ tác động mạnh mẽ đến cộng đồng sở tại…
Nếu cả hệ thống trong và ngoài nước cùng kết hợp làm thì chắc chắn Việt Nam sẽ thành công trong việc phát huy giá trị của ẩm thực, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc này cũng không thể thành công ngay mà cần có thời gian, sự kiên nhẫn và sự vào cuộc của tổ chức, cá nhân tâm huyết với ẩm thực.
Chính vì lẽ đó, Ban vận động thành lập Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đang làm việc hết sức mình để có thể tiến hành đại hội vào tháng 11/2016. Đây sẽ là kênh quảng bá hiệu quả thúc đẩy ngành ẩm thực nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, vươn xa cùng thế giới.