Miếng chả mực rán xong có màu vàng ruộm, thơm, giòn và vẫn giữ được vị mực tươi. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Không chỉ thế, đây còn là một trong những sản phẩm địa phương đã được ghi danh vào bản đồ chỉ dẫn địa lý. Tự hào là vậy nhưng đến nay, vẫn chỉ “lác đác” vài tên tuổi được điểm mặt đặt tên trước vô vàn các sản phẩm nổi tiếng của địa phương này.
Đến với Quảng Ninh những ngày chớm thu, gió man mác quyện lẫn mùi thơm mặn mòi từ biển lại gợi nhớ món chả mực được làm từ mực tươi và điều đặc biệt của món ăn này là nguyên liệu phải là mực mai. Hơn nữa, mực mai phải được đánh bắt ở trong vùng vịnh Hạ Long mới cho ra được món chả mực có mùi thơm vị ngọt đặc trưng riêng biệt của nơi đây.
Theo bà Đỗ Kim Thoa, chủ cửa hàng chả mực Hạ Long 1, chất lượng, hương vị món mực phụ thuộc tới 90% là nguyên liệu. Nguyên liệu được chọn phải là những con mực tươi mai dày và những chấm nhỏ li ti trên mai mực vẫn còn phải đang chuyển động. Món chả mực này ngon nhất nếu được giã bằng tay trong cối đá. Mực được giã vừa đủ nhuyễn để có thể dính, vừa phải còn những miếng mực nhỏ chỉ cần giã rối để chả mực được giòn. Ướp thêm chút hạt tiêu và nước mắm vừa đủ, sau đó nặn thành từng miếng rồi đưa lên chảo chiên vàng. Tưởng chừng như cách làm khá đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể làm được món chả mực đúng chất vùng Hạ Long.
Bà Thoa chia sẻ thêm, để phục vụ cho nhu cầu của du khách đến đây có thể mua chả mực về làm quà thì người ta bắt đầu sản xuất những túi mực được bọc ni lông và hút chân không cẩn thận. Đặc biệt, món chả mực của vùng đất Quảng Ninh đã vinh dự lọt Top 10 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam trong kỷ lục châu Á năm 2013.
Bà Nguyễn Thị Thoan, Chủ tịch Hiệp hội Chả mực Hạ Long cho hay, dự án xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý Hạ Long cho sản phẩm chả mực Hạ Long do Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp thực hiện có kinh phí gần 2 tỷ đồng. Hiện tại, chả mực Hạ Long được biết đến như một thương hiệu đặc sản của Quảng Ninh, có giá bán cao trên thị trường, tạo được việc làm tốt cho người lao động và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thoan, việc xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý Hạ Long cho chả mực đã giúp giá của sản phẩm tăng từ 13-17%, sức tiêu thụ tăng từ 33-50% và cải thiện vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm trong chế biến, sản xuất. Tại Việt Nam, chả mực Hạ Long là sản phẩm thủy sản chế biến thứ 3 được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trình độ khoa học công nghệ tương đương trong nước và quốc tế. Do vậy, việc cấp chứng chỉ cho các sản phẩm vùng miền cũng ví như “mạ vàng” cho các sản phẩm địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia tư vấn Thương hiệu quốc gia cho hay, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý như một công cụ hữu hiệu để bảo hộ cho nông sản, bước đầu đã có kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, đã có 43 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ; 32/63 tỉnh, thành phố có chỉ dẫn địa lý; trong đó 8 địa phương có từ 2 chỉ dẫn địa lý trở lên. Chương trình Thương hiệu quốc gia ra đời, một trong những mục tiêu là xây dựng thương hiệu tầm quốc gia cho từng sản phẩm nổi tiếng ở các địa phương được các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất hưởng ứng nhiệt tình. Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP” mà Hà Nội đang dẫn đầu; phong trào “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” của Quảng Ninh mà cốt lõi là xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm tiêu biểu của mỗi địa phương đang đơm hoa kết trái... Năm 2015, cả nước đã chọn được 100 sản phẩm tiêu biểu quốc gia.
Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn về nông nghiệp và thực tế đã trở thành quốc gia xuất khẩu một số nông sản hàng đầu thế giới. Bên cạnh gạo, hồ tiêu, điều…, vài năm trở lại đây, Việt Nam xuất khẩu thành công vải, xoài, chôm chôm… vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Australia, Nhật Bản… cũng là một thành công lớn, dù mới chỉ ở ngưỡng ban đầu. Đây sẽ là tiền đề cho quá trình tạo dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt tiến bước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, nhiều sản phẩm địa phương chưa có thương hiệu, mạnh ai nấy làm, nên sản phẩm khó vào được kênh phân phối lớn. Việc xây dựng, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn nhiều bất cập... Do đó, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vừa cấp thiết vừa là chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực về nhiều mặt của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất.
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý của người dân, doanh nghiệp hiện còn hạn chế do quy mô sản xuất nhỏ và hoạt động thương mại theo phương thức truyền thống nên chưa hình thành các chuỗi cung ứng khép kín và đảm bảo tiêu chuẩn đặt hàng của đối tác. Do đó, chỉ dẫn địa lý hiện chưa trở thành dấu hiệu thương mại phổ biến trên thị trường kể cả trong và ngoài nước.
Vì vậy, để tạo dựng hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, theo các chuyên gia khuyến cáo cần hoàn thiện hệ thống pháp lý bằng cách xây dựng ở cấp độ quốc gia, xây dựng hình ảnh chỉ dẫn địa lý trên thị trường, tổ chức mô hình phù hợp, không áp đặt. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý gắn với chuỗi giá trị lấy doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh làm cơ sở, kết nối với các hỗ trợ quản lý chất lượng, xây dựng điểm nhấn thay vì phát triển đồng bộ.