Xuất hiện các ca bệnh tay chân miệng dưới 4 tháng tuổi ở Long An

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, từ đầu năm đến nay, Long An ghi nhận 1.235 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 390 trường hợp điều trị nội trú, 1 trường hợp nặng xin về (đã tử vong).

Chú thích ảnh
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Nhi bệnh viện Sản nhi TWG Long An thăm khám cho bệnh nhi tay chân miệng.

Trên địa bàn tỉnh có 94 trường hợp mắc tay chân miệng trên 5 tuổi, số còn lại là dưới 5 tuổi.

Số ca mắc tăng 5,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Các huyện có ca mắc cao là Đức Hòa (280), Cần Giuộc (243), Bến Lức (174), Cần Đước (172). Cũng tính từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận 11 ổ dịch tay chân miệng, tăng 11 ổ dịch so cùng kỳ năm 2020.

Từ đầu năm đến nay, tại Long An đã ghi nhận những trường hợp trẻ dưới 4 tháng tuổi mắc bệnh chân tay miệng, đây là độ tuổi mà trẻ còn bú mẹ nên có miễn dịch cao và ít tiếp xúc với các nguồn bệnh. Cụ thể, Bệnh viện Sản nhi TWG Long An ghi nhận 4 trẻ dưới 4 tháng và 5 trẻ trên 6 tuổi mắc bệnh.

Theo Bệnh viện Sản nhi TWG Long An, từ đầu năm 2021 đến nay số lượng bệnh tay chân miệng ít hơn so với 4 tháng cuối năm 2020, nhưng tỉ lệ bệnh nặng tăng hơn (đa phần bệnh ở mức 2A và 2B, trong đó 2B chiếm 20%). Với mức độ này, bệnh nhi đã có biến chứng thần kinh, dễ diễn tiến nặng lên mức độ 3, 4.

Bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 4 - 6 và tháng 9 - 12 hằng năm và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, điều trị hạ sốt giảm đau bằng thuốc Paracetamol và chế độ chăm sóc là ăn lỏng, ăn nguội…

Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Khoa Nhi (Bệnh viện Sản nhi TWG Long An), cho biết, trẻ bị tay chân miệng thường gặp trong độ tuổi dưới 5 tuổi, trong đó đa phần là trẻ dưới 3 tuổi; trong đó, những bé càng nhỏ bệnh càng nặng và bệnh không có miễn dịch. Do bệnh tay chân miệng có nhiều tác nhân gây bệnh nên khi trẻ mắc virus này vẫn có thể mắc virus khác, nên trẻ mắc bệnh rồi phụ huynh vẫn phải nâng cao cảnh giác, phòng bệnh thường xuyên để tránh cho trẻ tái nhiễm lần sau.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng còn diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, ngành y tế Long An sẽ tham mưu với  UBND tỉnh ban hành công văn về việc tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng nhằm chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục hướng dẫn thực hiện các biện pháp vệ sinh cho trẻ, chú trọng trẻ trong nhóm tuổi mầm non, tiểu học.

Tin, ảnh: Đức Hạnh (TTXVN)
Số ca mắc tay chân miệng ở An Giang tăng cao, một trường hợp tử vong
Số ca mắc tay chân miệng ở An Giang tăng cao, một trường hợp tử vong

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang: Từ đầu năm đến ngày 15/4, toàn tỉnh ghi nhận 1.075 ca mắc tay chân miệng, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 226 trường hợp mắc bệnh), trong đó có một trường hợp tử vong ở địa bàn huyện Tri Tôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN