Trên địa bàn Vĩnh Phúc hiện có 15 cơ sở khám chữa bệnh công lập; 137 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Từ năm 2016 -2018, tỉnh đã đầu tư 1.037 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất cho một số cơ sở khám, chữa bệnh như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản – Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường, Trung tâm y tế huyện Tam Đảo, Trung tâm y tế thành phố Phúc Yên. Đồng thời, đầu tư 94,168 tỷ đồng để xây mới, cải tạo, sửa chữa, 71 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Cùng với đó, trong 3 năm 2016-2018, Vĩnh Phúc đầu tư gần 220 tỷ đồng mua sắm các trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế cơ sở. Nhờ đó, các đơn vị y tế triển khai trung bình được 140 dịch vụ kỹ thuật mới theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế, trong đó một số kỹ thuật vượt tuyến, chuyên sâu được triển khai tại các bệnh viện tuyến tỉnh như: nút mạch máu u xơ tử cung, chụp và can thiệp mạch máu não, nút mạch gan, phẫu thuật u tủy vi phẫu, xạ hình xương, can thiệp mạch… đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng, giảm chi phí cho người bệnh và góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến.
Vĩnh Phúc cũng luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đến nay, toàn Vĩnh Phúc có trên 4.400 cán bộ, y, bác sỹ; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10,7, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Từ sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đến hết năm 2018, Vĩnh Phúc có 99,3% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia y tế xã; 100% số trạm y tế xã có bác sỹ công tác (các trạm y tế xã thực hiện bình quân 80% danh mục kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế); có 51% dân số được lập hồ sơ quản lý sức khỏe; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 86,7%...
Đẩy mạnh xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, giai đoạn 2018 – 2025, Vĩnh Phúc sẽ dành hơn 2.588 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hơn 1.380 tỷ đồng; nguồn từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của các trung tâm y tế huyện, thành phố 168 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa trên 1.000 tỷ đồng. Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 có 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện, 15% kỹ thuật của tuyến trên; duy trì 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã...