Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020 đã đề cao đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm hoàn thành các mục tiêu y tế quốc gia và năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Để án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Hiện nay nguyên lý y học gia đình đang được triển khai, đặc biệt là tại các trạm y tế xã nhằm đáp ứng với tình trạng già hóa dân số nhanh và các bệnh không lây nhiễm.
Cùng với toàn ngành y tế, tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác định y tế cơ sở là nền tảng, y tế dự phòng là then chốt nên đã có các hoạt động cụ thể nhằm đầu tư xây mới, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất cho trung tâm y tế tuyến huyện; hỗ trợ kinh phí đào tạo, chuyển giao gói kỹ thuật cho tuyến cơ sở. Những việc này góp phần tích cực đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, phát triển nguồn nhân lực, tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn chỉnh cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc: Trong giai đoạn 2014-2017, tổng vốn đầu tư trang thiết bị y tế tuyến xã đạt 34 tỷ đồng. Đến nay đã có 100 % trạm y tế tuyến xã cơ bản đủ các trang thiết bị thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế, đáp ứng yêu cầu công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và phòng chống dịch bệnh.
Ngoài nguồn vốn đầu tư của tỉnh, các xã cũng đã huy động vốn của địa phương để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình y tế xã như vườn thuốc nam, nhà vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải rắn y tế… Một số xã đã huy động được nguồn tài trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, xe cứu thương. Một số xã đã phát triển các dịch vụ kỹ thuật về y học cổ truyền, áp dụng các bài thuốc, phương pháp không dùng thuốc để thu hút người dân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã.
Từ sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của tỉnh, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát, không có vụ ngộ độc thực phẩm nặng. Đến năm 2018 Vĩnh Phúc đã có 99,3% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia y tế xã; 100% số trạm y tế xã có bác sỹ công tác. Các trạm y tế xã thực hiện bình quân 80% danh mục kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế. Đã có 51% dân số được lập hồ sơ quản lý sức khỏe; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 86,7%...
Mới đây UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có kế hoạch số 6831 về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới giai đoạn 2018 - 2025. Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc có 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện, 15% kỹ thuật của tuyến trên; duy trì 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% số trạm y tế xã thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy định của Bộ Y tế; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Giai đoạn 2018 – 2025, Vĩnh Phúc sẽ dành hơn 2.588 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hơn 1.380 tỷ đồng; nguồn từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của các trung tâm y tế huyện, thành phố 168 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa trên 1.000 tỷ đồng.