Phát triển y tế cơ sở để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu

Năm 2018, ngành y tế đặt ra nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phát triển y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên trong phát triển y tế cơ sở là tăng cường hoạt động của trạm y tế gắn với mô hình y học gia đình.

Chú thích ảnh
Bác sỹ Trạm Y tế Phường 13, TP Hồ Chí Minh hội chẩn trực tuyến với các bác sỹ bệnh viện tuyến trên. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ Y tế đã thực hiện giải pháp: “Nâng cao chất lượng chăm sóc, quản lý sức khỏe nhân dân và khám, chữa bệnh các bệnh mạn tính tại 26 trạm y tế xã, phường”, góp phần giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương.

Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, tập trung vào cấp cứu, khám chữa bệnh thông thường; Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; Quản lý bệnh mạn tính: tập trung vào phát hiện sớm đối tượng có nguy cơ, người mắc bệnh, điều trị duy trì, xử trí cấp cứu ban đầu, phát hiện sớm biến chứng để chuyển tuyến; Thực hiện khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; Tư vấn, truyền thông về dự phòng, nâng cao sức khỏe phòng, chống bệnh tật; Quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; Ứng dụng CNTT tại các trạm y tế xã; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý chất thải…

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Tiến hành kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho một số tỉnh, thành phố trong thực hiện quản lý bệnh mạn tính; Khảo sát thực trạng tại 26 trạm y tế xã thí điểm, trên cơ sở đó tiến hành đầu tư nguồn lực, hoàn thiện mô hình điểm 26 trạm y tế xã; hoàn thiện chính sách, hướng dẫn chuyên môn; Tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho các bác sỹ tại trạm y tế xã để bảo đảm thực hiện các hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh theo các hướng dẫn chuyên môn, quy định pháp lý đã ban hành, trước mắt tập trung đào tạo về quản lý bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý y học gia đình; thực hiện một số dịch vụ y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh; Đào tạo cho các trạm y tế xã về lập hồ sơ sức khỏe cá nhân; Đầu tư trang thiết bị thiết yếu cho 26 trạm y tế xã trong mô hình thí điểm (Dự án HPET); Xây dựng mô hình bố trí các phòng chức năng của trạm y tế xã để bảo đảm thực hiện công tác khám, chữa bệnh, dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe, tiêm chủng, kiểm soát nhiễm khuẩn…; Huy động nguồn lực và sự hợp tác tham gia của các bên liên quan: ngân sách từ trung ương, địa phương, nguồn hỗ trợ của các tổ chức: WHO, WB, ADB…

Với mong muốn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở, cần có sự phối hợp chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế các tỉnh, thành phố, sự triển khai thực hiện của các Trung tâm y tế và Bệnh viện huyện, sự chủ động, sáng tạo của các trạm y tế xã, sự trợ giúp về chuyên môn của một số bệnh viện trung ương và sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các đối tác phát triển.

Bên cạnh đó, Đề án 5168/QĐ-BYT ngày 24/8/2018 về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giai đoạn 2018 – 2020” là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm tải cho tuyến trên ngay tại y tế cơ sở.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh: “Việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường nhằm nâng cao chất lượng công tác dự phòng, khám, chữa bệnh có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng, tiến tới sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các vùng, miền trong cả nước, đồng thời có tác dụng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn để từng bước đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tại địa phương, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.”

Các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh căn cứ tình hình thực tế của đơn vị, địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết chuyển giao công nghệ khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế xã, phường. Tạo phong trào thực hiện nghĩa vụ luân phiên cán bộ từ trung ương, tỉnh, huyện xuống xã.; Quan tâm bệnh truyền nhiễm, sức khỏe sinh sản, trọng tâm là bệnh không lây nhiễm. .

Nhiệm vụ cán bộ tuyến Trung ương xuống xã là giám sát, chỉ đạo chế độ chuyên môn, an toàn người bệnh, khám chữa bệnh chất lượng cao cho nhân dân để triển khai thực hiện Đề án này.

Thời gian công tác do đơn vị cử cán bộ đi luân phiên quyết định theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Một bệnh viện tuyến trên có thể cử cán bộ giúp đỡ nhiều trạm y tế xã, phường. Ngược lại, một trạm y tế xã, phường có thể nhận cán bộ của nhiều bệnh viện tuyến trên về luân phiên. Thời gian thực hiện đề án giai đoạn 2018-2020.

Bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để cán bộ đi luân phiên yên tâm làm việc có hiệu quả. Trạm y tế xã, phường tiếp nhận cán bộ tới luân phiên có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi về tinh thần và cơ sở vật chất (ăn ở, đi lại …) để cán bộ tới luân phiên hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ đi luân phiên được hưởng các chế độ như đang công tác tại đơn vị cử đi luân phiên và một số quyền lợi khác theo quy định.

Với chức năng y tế cơ sở là gắn với dự phòng, nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe, gắn với sức khỏe ban đầu, gắn với dinh dưỡng, ăn uống, tập thể dục để giảm suy dinh dưỡng, phát triển chiều cao, tầm vóc thể lực, phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch tiểu đường), Bộ Y tế hy vọng, trạm y tế sẽ là nơi người dân đến đầu tiên thay vì phải lên tuyến trên mỗi khi có bệnh.

Lê Hoàng
Đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải bệnh viện tuyến trên
Đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải bệnh viện tuyến trên

Nghị quyết 20 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân chuyển trọng tâm sang bảo vệ sức khỏe và xây dựng nền tảng y tế tại tuyến cơ sở (từ tuyến huyện trở xuống).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN