Tại “Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024”, do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 27/3, nhận định về bệnh cúm gia cầm trên người, nhất là sau ca cúm A/H5N1 tại Khánh Hòa vừa qua, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Với ca bệnh nhiễm cúm A(H5N1) vừa qua, điều tra dịch tễ cho thấy người này không tiếp xúc, giết mổ, ăn thịt gia cầm ốm, chết và không có hiện tượng gia cầm ốm, chết ở khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống.
Bệnh nhân có đi bẫy chim vào thời điểm trước và sau tết nguyên đán, có nuôi chim; xét nghiệm âm tính với cúm A(H5N1) các mẫu bệnh phẩm từ gia cầm ở khu vực bệnh nhân sinh sống. Tuy nhiên có ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa vào giữa tháng 2/2024.
Trước tình hình xuất hiện ca bệnh cúm A(H5N1), ngành y tế đã triển khai theo dõi tình hình dịch bệnh; đánh giá, phân tích, nhận định, dự báo tình hình dịch; đồng thời ngăn chặn, kiểm soát dịch tại cửa khẩu; giám sát, phát hiện sớm tại cộng đồng, trong cơ sở y tế; xử lý kịp thời các ổ dịch; đồng thời phối hợp với ngành thú y trong giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch…”.
Ông Hoàng Minh Đức cũng đánh giá, nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm gia cầm sang người vẫn có thể xảy ra, do hiện nay vẫn tiếp tục ghi nhận sự lây lan của cúm gia cầm tại tất cả các khu vực trên thế giới.
Đặc biệt, dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra trên đàn gia cầm trên cả nước; trong khi đó, thời tiết đang rất thuận lợi cho các mầm bệnh hô hấp phát triển và lây lan.
Dịch cúm A(H5N1) được ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là 1 trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Sau đó, đã có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất là những năm 2004 - 2009 đã ghi nhận 112 trường hợp mắc cúm gia cầm trên người, trong đó có tới 57 ca tử vong.
Đến tháng 10/2022 Việt Nam lại ghi nhận trường hợp cúm A(H5) trên người (tại Phú Thọ). Và mới đây nhất là tháng 3/2024 ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa.
Tích lũy đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong do cúm gia cầm trên người (tỷ lệ tử vong cao tới 50%).
Hiện Việt Nam chưa ghi nhận các ca mắc cúm A(H5N6), A(H5N8) và A(H9N2) từ gia cầm lây sang người; tuy nhiên đã có ghi nhận các ổ dịch trên gia cầm này ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Kết quả báo cáo, theo dõi, giám sát của các đơn vị y tế dự phòng ngành y tế cho thấy, tình hình dịch bệnh đầu năm 2024 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là một số bệnh lây truyền từ động vật sang người như cúm A(H5N1), bệnh dại.
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đã xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, đặc biệt các quốc gia đang phát triển.
Phần lớn trong số đó là bệnh lây truyền từ động vật sang người như: Dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1), MERS-CoV, Ebola và gần đây nhất là đại dịch COVID-19.
Ở trong nước, nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã lưu hành và có tác động lớn đến sức khỏe người dân như: Bệnh dại, cúm A(H5N1), bệnh liên cầu lợn ở người, bệnh Than, bệnh Leptospira (bệnh xoắn khuẩn vàng da)…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để phòng, chống và kiểm soát các bệnh này không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần một sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền.
Trong những năm qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp cùng sự tham gia của các cấp chính quyền, các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đã cơ bản được kiểm soát; tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, một số dịch bệnh đã có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Tại Hội nghị, các đơn vị từ Trung ương và địa phương chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, chủ động triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh.
Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người; trong đó quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm.