Bài 1: Phẫu thuật bằng robot, bước đột phá của ngành y
Một ca phẫu thuật có ứng dụng robot. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Những ưu điểm vượt bậc
Bệnh nhân Lại Thị Mai (50 tuổi) là một trong ba bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng robot thay khớp gối bán phần tại bệnh viện Bạch Mai. Cách đây hơn 2 năm, bệnh nhân đã từng được thay khớp gối toàn phần bằng phương pháp cũ, tuy nhiên sau khi thay, bệnh nhân vẫn cảm thấy khó chịu khi đi lại. Vừa qua, khi bệnh viện Bạch Mai đưa phương pháp phẫu thuật định vị bằng robot vào thực hiện, bệnh nhân đã được phẫu thuật bằng phương pháp mới. Chỉ 2 tiếng sau khi mổ, bệnh nhân đã có thể tự đi lại được, cân bằng nhanh, cảm giác khó chịu hầu như không còn.
Hay như trường hợp bệnh nhân Đào Thị Thắng (64 tuổi) bị thoái hóa khớp gối 2 bên và cũng được phẫu thuật thay khớp gối bằng hệ thống robot Mako tại bệnh viện Bạch Mai. Từ chỗ không thể đi được, đứng lên phải có người giữ; chỉ 2 tiếng sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể tự đứng lên và đi lại dễ dàng.
TS.BS Đào Xuân Thành, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu như trước đây khi bệnh nhân chỉ bị “hỏng” nửa khớp gối đã phải thay cả khớp gối, thì hiện nay, khi ứng dụng robot định vị vào phẫu thuật chỉ phải “hỏng đâu thay đấy”, bệnh nhân lấy lại được sự cân bằng khớp rất nhanh nên thời gian hồi phục cũng nhanh hơn rất nhiều.
Hiện bệnh viện Bạch Mai đã trang bị được hệ thống robot trong phẫu thuật khớp gối và phẫu thuật thần kinh. Đây là hệ thống robot phẫu thuật Mako và Rosa hiện đại nhất của Mỹ hiện nay. Hệ thống robot này cho phép phẫu thuật với sự xâm lấn tối thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh, mất máu ít, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau phục hồi. Đặc biệt, việc thay phẫu thuật bằng robot có độ chính xác gấp 3 lần so với thay khớp gối bằng tay và cho phép mổ nội soi những ca bệnh thần kinh khó, đòi hỏi độ chính xác cao.
Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức… cũng là những bệnh viện đi đầu trong ứng dụng công nghệ robot trong phẫu thuật. Bệnh viện Nhi Trương ương là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam, đưa công nghệ phẫu thuật nội soi bằng robot vào điều trị các bệnh lý phức tạp cho trẻ em như: Phình đại tràng bẩm sinh, u nang ống mật chủ, hội chứng hẹp khúc nối bể thận niệu quản, các khối u trong ổ bụng... Hàng trăm bệnh đã được phẫu thuật thành công bằng công nghệ này, năng lực của các phẫu thuật viên cũng được nâng cao nhanh chóng.
Bệnh viện Việt Đức cũng là đơn vị đầu tiên triển khai kỹ thuật cố định cột sống có sử dụng hệ thống robot định vị tại Đông Nam Á. Đến nay đã có hàng trăm người bệnh được phẫu thuật bằng phương pháp này. Đặc biệt, phẫu thuật cột sống bằng robot đã nằm trong danh sách được bảo hiểm y tế chi trả.
Theo TS.BS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trước đây, phẫu thuật cột sống theo phương pháp mổ thông thường phải mất hơn 10 tiếng đồng hồ, khả năng rủi ro, tai biến cũng cao vì cột sống là cơ quan rất dễ bị tổn thương. Tuy nhiên đến nay, thời gian phẫu thuật cột sống bằng Robot chỉ còn trung bình 1,5 tiếng rưỡi với bệnh nhân chấn thương cột sống và 3 tiếng với bệnh nhân trượt đốt sống, bao gồm cả ghép xương liên thân đốt. Để thực hiện kỹ thuật cố định cột sống có sử dụng hệ thống robot định vị, nhân viên y tế đã có những dữ liệu của người bệnh trong máy tính và sẽ tính toán để tạo ra kích thước của vít, độ dài của vít phù hợp với từng đốt sống của người bệnh và sau đó sẽ đưa chuyển cho robot tiến hành kỹ thuật mổ.
Hướng đi mới
Với những ưu điểm của mình, việc ứng dụng công nghệ robot trong phẫu thuật đã giải quyết được những hạn chế của phẫu thật mổ mở và nội soi cổ điển, đưa ngành phẫu thuật đến một đỉnh cao mới. Phẫu thuật robot đã tạo nên cuộc cách mạng trong điều trị cho nhiều loại bệnh lý ngoại khoa phức tạp như: Phẫu thuật các khối u tiền liệt tuyến, cắt dạ dày, cắt gan, cắt phổi, cắt u trung thất, cắt tử cung, phẫu thuật lồng ngực, tim mạch...
Theo các chuyên gia, phẫu thuật ít xâm lấn nhờ ứng dụng công nghệ robot đang được xem là xu thế hiện nay của y học trên thế giới. Việc đưa vào sử dụng các kỹ thuật phẫu thuật robot tại Việt Nam đang trở thành hướng đi mới trong lĩnh vực khám, chữa bệnh khi nhờ đó, các chuyên ngành phẫu thuật phức tạp, với độ khó cao, như phẫu thuật cột sống, phẫu thuật thần kinh… ngày càng đạt được nhiều thành tựu. Việc ứng dụng công nghệ mới vào điều trị chăm sóc người bệnh không những là bước đột phá, nâng tầm y học nước nhà mà còn mở ra cơ hội cho người có thu nhập thấp được điều trị bằng kỹ thuật cao.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế: Việc ứng dụng robot trong phẫu thuật các bệnh lý phức tạp đã đánh dấu bước phát triển mới trong ứng dụng công nghệ cao của các bệnh viện và ngành y tế; từ đó nhiều ca bệnh khó sẽ không cần phải ra nước ngoài để chữa trị mà người dân có thể được thụ hưởng các kỹ thuật cao ở ngay trong nước một cách hiệu quả, giảm được rất nhiều chi phí khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, với công nghệ phẫu thuật này có những đòi hỏi rất cao như: Bệnh viện sẽ rất tốn kém khi phải đầu tư trang thiết bị phức tạp, kỹ thuật đắt tiền; đặc biệt phẫu thuật viên cũng phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu… đây là một thách thức không hề nhỏ đối với hầu hết các bệnh viện khi triển khai.
Bài cuối: Công nghệ 3D giúp phẫu thuật chính xác, nhanh chóng và hiệu quả