Đây là nội dung Thông tư 15 (thay thế thông tư 37 trước đó) của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Từ ngày 15/7, Bộ Y tế điều chỉnh giá của 88 dịch vụ y tế do bảo hiểm y tế chi trả. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Theo đó, giá khám bệnh sẽ giảm 15-20% (tiền khám bệnh sẽ giảm từ 4.800 đến 5.900 đồng ở các hạng bệnh viện) giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 giảm xuống chỉ còn 33.100 đồng; giá hiện nay là 39.000. Tương tự, giá tại bệnh viện hạng 2 còn 29.600 thay vì 35.000 đồng. Giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 còn 23.300 đồng.
Giá giường bệnh được ban hành thấp hơn đề xuất ban đầu; tăng tại các bệnh viện hạng đặc biệt và giảm ở các hạng còn lại. Giá ngày giường điều trị giảm từ 2 - 10% theo từng hạng bệnh viện. Cụ thể, giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ tăng lên 687.100 đồng; thấp hơn đề xuất ban đầu gần 64.000 đồng; giá hiện áp dụng là 677.100 đồng.
Tại bệnh viện hạng 1 sẽ giảm từ 632.200 xuống còn 615.600 đồng. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 226.000 xuống 221.200 đồng. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa.
Ngoài ra, giá một số dịch vụ chụp X-quang, chụp CT scanner cũng giảm. Đặc biệt, chi phí phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ hơn 4 triệu xuống còn 2,8 triệu đồng.
Đáng chú ý là một số dịch vụ kỹ thuật giảm rất lớn như phẫu thuật cắt Amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu xuống còn 2 triệu đồng, phẫu thuật tạo thông động tĩnh mạch AVF giảm từ 7,2 triệu xuống còn 3,6 triệu đồng, xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis định danh và kháng RMP Xpert giảm đến 6 lần, nội soi tai mũi họng giảm hơn 2 lần.
Thông tư này cũng quy định các bệnh viện phải bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng; mỗi bàn khám không quá 65 lượt một ngày. Vượt quá con số này; cơ quan bảo hiểm xã hội chi thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh. Trong thời gian tối đa một quý, nếu vẫn còn tình trạng này thì bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc điều chính giá dịch vụ khám chữa bệnh hàng năm là cần thiết, vì giải quyết bất cập trong thực tế cũng như việc điều chỉnh giá Thông tư 37 lần này nhằm cân đối quỹ và chất lượng khám chữa bệnh. Trước mắt, do chưa thể điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế nên để bảo đảm cân đối quỹ, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh giá của một số dịch vụ thông thường như khám bệnh, chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, giường... Tuy chỉ điều chỉnh một số dịch vụ (đa số là giảm giá) nhưng tác động lớn đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế, vì đây là các dịch vụ sử dụng nhiều, điều chỉnh để giảm tần suất sử dụng.
Chủ yếu là điều chỉnh giảm số lượt khám/bàn khám, công suất sử dụng máy móc, thiết bị, giường bệnh, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện tăng, do được đầu tư, nâng cấp, thông tuyến, người bệnh sử dụng nhiều hơn nên giảm được chi phí, nhiều loại vật tư, hóa chất giá giảm so với trước đây do hiệu quả của công tác đấu thầu. Việc điều chỉnh này không ảnh hưởng các đối tượng người nghèo, cận nghèo.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiến hành khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để xây dựng giá dịch vụ y tế theo hướng phân loại để giảm bớt số lượng dịch vụ y tế hiện nay (trên 18.000 dịch vụ), sắp xếp lại theo nguyên tắc thuận lợi cho quản lý, dễ thực hiện cho các cơ sở y tế và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, làm căn cứ để ban hành định mức, xây dựng giá của các dịch vụ này (mức giá gồm chi phí trực tiếp, tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đ) và chi phí quản lý.
Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay Nghị định số 85/NĐ-CP, trong đó đặc biệt lưu ý tăng nhân lực cho các bệnh viện để nâng cao chất lượng; giao tự chủ cho các bệnh viện,Trung tâm y tế huyện phù hợp để giảm áp lực tự chủ tài chính.