Sáng 5/10, ít tiếng đồng hồ sau khi được chuyển từ Bệnh viện Việt Đức sang bệnh viện Thanh Nhàn ngay trong đêm để đảm bảo giãn cách phòng dịch; các bệnh nhân đã ổn định tại các buồng bệnh, đảm bảo công tác điều trị, theo dõi theo phác đồ và đảm bảo an toàn phòng dịch.
Đi cùng chăm sóc vợ, anh Bùi Đức Anh (quê ở Hoà Bình) cho biết: “Vào hơn 22 giờ đêm ngày 4/10, chúng tôi được chuyển từ Bệnh viện Việt Đức sang Bệnh viện Thanh Nhàn. Vợ tôi bị u tuỷ đã nằm viện phẫu thuật từ ngày 22/9. Khi biết tin Bệnh viện Việt Đức ghi nhận ca mắc COVID-19 liên quan đến khu nhà D, chúng tôi đã rất lo lắng, hoang mang vì vợ tôi đang lúc sức khoẻ yếu lại sống trong khu vực có dịch. Chúng tôi chỉ biết nghe theo sự hướng dẫn của Bệnh viện, cố gắng tốt nhất để tránh lây lan dịch. Vì vậy, khi Bệnh viện có thông báo sẽ chuyển bớt người bệnh sang Bệnh viện Thanh Nhàn, chúng tôi cũng tuân thủ, miễn sao có thể an toàn. Rất may vợ tôi đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, đang hồi phục dần nên cũng có thể dễ dàng di chuyển, các y bác sĩ cũng hỗ trợ cho người bệnh”.
Theo anh Đức Anh, trước khi sang Bệnh viện Thanh Nhàn, anh và bệnh nhân đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, đều âm tính.
“Khi đến Bệnh viện Thanh Nhàn, các bác sĩ bên này đã sắp xếp khu vực điều trị riêng, giường bệnh, chỗ nghỉ và nhập viện ngay trong đêm. Sáng dậy bệnh nhân và người nhà đều được lo ăn sáng đầy đủ, các bác sĩ đi từng phòng hỏi thăm bệnh nhân, khám bệnh chu đáo; lúc này chúng tôi chỉ biết trông cậy vào các y bác sĩ”, anh Bùi Đức Anh chia sẻ.
Cũng đang chăm sóc người nhà tại khu vực dành riêng cho người bệnh và người nhà từ Bệnh viện Việt Đức chuyển sang, ông Lương Đức Bồng (ở Vũ Thư, Thái Bình) cho biết: “Chúng tôi đã rất lo khi có ca bệnh COVID-19 trong bệnh viện vì người bệnh rất yếu, sức khoẻ mong manh, nhất là người già như bố tôi. Được tiếp nhận sang bên này để tránh lây chéo, chúng tôi cũng yên tâm. Quá trình chuyển từ Bệnh viện Việt Đức sang đây tuy khá vất vả với người bệnh nhưng được tổ chức rất nhanh gọn, các y bác sĩ hỗ trợ rất nhiều từ đỡ người bệnh đi lại đến chuẩn bị đồ bảo hộ, đảm bảo khoảng cách di chuyển”.
Về công tác tiếp nhận điều trị người bệnh chuyển từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức sang, BS. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Trong đêm 4/10, chúng tôi đã tiếp nhận 194 bệnh nhân từ Bệnh viện Việt Đức chuyển sang. Theo kế hoạch trong ngày 5/10, chúng tôi tiếp nhận thêm khoảng 200 bệnh nhân nữa. Với tinh thần hỗ trợ, tương trợ giữa các bệnh viện với nhau; chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa cho Bệnh viện Việt Đức; kết hợp vừa đảm bảo chuyên môn và đảm bảo công tác phòng chống dịch”.
Theo BS. Nguyễn Thị Lan Hương, đại đa số bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn vào buổi tối, nên việc phát thuốc trong ngày tại Bệnh viện Việt Đức đã hoàn thiện. Một số bệnh nhân đang trong giai đoạn cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn vẫn tiếp tục duy trì điều trị cấp cứu, thuốc, dịch truyền, cung cấp oxy và các chế phẩm máu để duy trì điều trị cho bệnh nhân, đảm bảo các chỉ số sinh tồn.
Các bệnh nhân và người nhà từ Bệnh viện Việt Đức chuyển sang đều đã có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính, nhưng Bệnh viện Thanh Nhàn vẫn tiếp tục sàng lọc theo tiêu chuẩn đây là những người thuộc diện nguy cơ cao. Bệnh viện đã có kế hoạch sẽ liên tục xét nghiệm trong 1- 2 ngày và xét nghiệm theo định kỳ để phát hiện sớm nhất nếu có F0, bóc tách sớm nhất các F0, đảm bảo an toàn cho khu điều trị.
“Chúng tôi vẫn phải nhắc nhở, kiểm soát với các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để họ tránh đi lại nhiều trong khu vực các buồng bệnh; đảm bảo không bị lây chéo giữa các buồng bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn, đảm bảo ăn uống, sinh hoạt cho người bệnh được tốt nhất. Tất cả các vấn đề về mặt chuyên môn, chăm sóc hậu phẫu, chúng tôi cũng cố gắng hết sức mình để người bệnh được yên tâm trong cả chuyên môn và công tác phòng chống dịch”, BS. Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.
Ngay trong sáng 5/10, các bác sĩ đã đi từng buồng, khám và thăm hỏi từng bệnh nhân. Với những ca bệnh nặng, hoặc vẫn cần theo dõi chặt chẽ, Bệnh viện Thanh Nhàn có kết nối với Bệnh viện Việt Đức trong từng chuyên khoa qua hệ thống hội chẩn trực tuyến TeleHelth để đảm điều trị cho người bệnh.
Để đảm an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, trong khi Bệnh viện vẫn tiếp nhận, điều trị cả các bệnh nhân thông thường, Bệnh viện Thanh Nhàn đã phân luồng rất chặt chẽ những người đến Bệnh viện ngay từ ngoài cổng.
Theo BS. Nguyễn Thị Lan Hương, Bệnh viện bố trí khu tiếp nhận các trường hợp từ Bệnh viện Việt Đức sang cách ly, kể cả khu điều trị người bệnh COVID-19 là khu riêng biệt, có cầu thang riêng biệt, lối đi riêng biệt, cách ly hoàn toàn với các khu thông thường. Ngay từ ngoài cổng, qua khâu sàng lọc, khi nào có trường hợp có yếu tố nguy cơ, Bệnh viện sẽ bố trí cho lên khu cách ly riêng. Còn các bệnh nhân thông thường đến, Bệnh viện vẫn duy trì khám và điều trị bình thường.
“Nhờ sàng lọc kỹ, cố gắng đảm bảo phòng dịch nên từ khi dịch xuất hiện, tại Bệnh viện Thanh Nhàn chưa có một trường hợp nào bị lây nhiễm chéo tại Bệnh viện và trong khu cách ly”, BS. Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.