Mù quáng bỏ qua cơ hội điều trị
Cách đây không lâu, Bệnh viện K đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ (40 tuổi ở Hà Nội) mắc ung thư đại tràng, khối u đã di căn. Sau một thời gian ngắn điều trị hóa chất tại Bệnh viện K, bệnh nhân tự ý bỏ điều trị, áp dụng chế độ nhịn ăn, chỉ uống các loại nước với hy vọng tế bào ung thư ngừng phát triển. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng bệnh nhân đã suy kiệt cơ thể. Ngay sau đó, bệnh nhân trở lại chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường nhưng đã không còn cơ hội điều trị và đã tử vong.
Cũng mù quáng tin vào các phương pháp tự điều trị ung thư bằng chế độ ăn, bệnh nhân Đinh Thị T. (ở Yên Bái) đã phải nhập viện với chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 4, đã có di căn.
Bà T. cho biết: “Theo lời mách của nhiều người, tôi tin vào việc loại bỏ tất cả chất đạm, chỉ ăn rau và ăn chay kết hợp tập các bài tập theo một giáo phái hy vọng có thể khiến tế bào ung thư biến mất. Sau khi ăn chay một thời gian, thấy người quá mệt tôi đã phải nhập viện để điều trị”.
Tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" đã khiến rất nhiều người mắc ung thư phải chịu hậu quả khôn lường thậm chí đánh đổi bằng tính mạng do bỏ qua cơ hội điều trị khi dễ dàng tin vào những phương pháp thiếu khoa học hoặc chưa được kiểm chứng. Đặc biệt, gần đây có rất nhiều phương pháp được cho là có thể điều trị ung thư lan truyền chóng mặt, đánh vào sự cả tin của nhiều người như: Chế độ thực dưỡng; tập theo các giáo phái; uống, đắp thuốc nam trị ung thư; vắc xin điều trị ung thư từ Nhật Bản về Việt Nam; nano vàng … Tuy nhiên các chuyên gia đầu ngành về ung thư đều khẳng định các phương pháp này chưa có bằng chứng khoa học cụ thể, chưa được công nhận về độ an toàn cũng như hiệu quả.
Theo TS. Phạm Văn Bình Trưởng khoa ngoại bụng Bệnh viện K, dù đã tuyên truyền rất nhiều nhưng tại bệnh viện K vẫn tiếp nhận nhiều trường hợp tự điều trị ung thư theo những lời truyền tai; hậu quả cuối cùng vẫn phải nhập viện và nhiều trường hợp đã bị bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị dẫn đến giảm cơ hội điều trị. Điều này là do bệnh nhân không hiểu đúng và không tỉnh táo với các thông tin quảng cáo, dễ dẫn tới “tiền mất, tật mang”.
Cũng theo TS. Phạm Văn Bình, bản chất của ung thư là sự phát triển vô độ của các tế bào ngoài sự kiểm soát của cơ thể, quá trình này khiến cơ thể rất cần dinh dưỡng phù hợp. Việc nhịn ăn, hoặc điều trị sai cách dễ dẫn tới thể trạng người bệnh càng ngày càng yếu đi nhanh, bệnh nặng lên.
Đặc biệt, các thông tin về việc tự uống thuốc nam, đắp lá, thuốc làm tiêu u và được coi là chữa khỏi bệnh, đều là tư tưởng sai lầm. Nhất là các trường hợp được truyền tai tự chữa khỏi bệnh ung thư cần xem xét việc liệu có chẩn đoán nhầm hoặc do mô tả của người bệnh không chính xác. Ung thư là quá trình phát triển, di căn và tái phát nên biện pháp này đều không đúng. Thực chất, các biện pháp như: Thực dưỡng, thiền… chỉ có tác động hỗ trợ nhất định trong quá điều trị.
Cần tuân thủ y lệnh bác sĩ
Theo các chuyên gia, tính đến thời điểm hiện nay chưa có loại thuốc nào được xác nhận là chưa khỏi ung thư. Việc điều trị vẫn phải kết hợp các phương pháp như: Phẫu thuật, hoá chất, xạ trị, miễn dịch… các phương pháp khác chỉ có thể là biện pháp hỗ trợ. Vì vậy người bệnh phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K khẳng định: Bệnh ung thư nếu phát hiện sớm và tuân thủ điều trị có thể cho hiệu quả điều trị cao.
Việc sàng lọc phát hiện sớm khả năng điều trị thành công cao đối với một số bệnh ung thư thường gặp như: Ung thư vú, cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư da, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày… Đơn cử như ung thư hắc tố ở da nếu phát hiện sớm, khối u có thể dễ dàng loại bỏ nếu nó chưa phát triển ăn sâu vào da, tỷ lệ bệnh nhân sống thêm 5 năm ở giai đoạn sớm có thể lên tới hơn 98%. Hay có tới 80% bệnh nhân ung thư vú có thể chữa khỏi ở giai đoạn đầu, nhiều bệnh nhân đến nay vẫn sống tốt sau hàng chục năm…
GS. Trần Văn Thuấn cũng khuyến cáo, người dân cần chú ý một số dấu hiệu ung thư sớm có thể phát hiện được trên lâm sàng như: Khối u cục, vết loét khó lành, chảy máu bất thường, khó tiêu dai dẳng, khàn giọng mãn tính… Việc sàng lọc ung thư có thể thực hiện bằng việc sử dụng một số xét nghiệm đơn giản để phát hiện cho những người khỏe mạnh, chưa có triệu chứng.
Bệnh nhân ung thư phải đến cơ sở chuyên sâu lĩnh vực ung bướu để được khám, điều trị, không nên cả tin, nghe theo lời khuyên chưa có cơ sở khoa học mà bỏ lỡ giai đoạn “vàng” điều trị bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân cũng cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình thật nhiều để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng.