“Qua điều tra xác minh, nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc rượu và đã có 2 trường hợp tử vong là do người dân sử dụng rượu không an toàn”, ông Lê Minh Hải nhấn mạnh.
Ông Lê Minh Hải cũng cho biết, qua xác minh, các sản phẩm rượu này không có nguồn gốc rõ ràng, không truy xuất được nơi sản xuất, không biết được nơi kinh doanh. Ngoài ra, có trường hợp do người dân vô tình sử dụng cồn sát khuẩn pha vào bình rượu ngâm tại nhà dẫn đến ngộ độc methanol và tử vong.
Về công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với rượu bia và các sản phẩm có cồn, ông Lê Minh Hải cho rằng, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố được Ban quản lý An toàn thực phẩm thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không phải khi xảy ra sự cố mất toàn thực phẩm mới triển khai. Việc kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu bia, đồ uống có cồn được thực hiện có trọng tâm vào những đợt cao điểm người dân sử dụng nhiều như Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như dịp Tết trung thu...
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, hiện nay, việc kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong kinh doanh rượu bia và đồ uống có cồn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vì vậy công tác quản lý đối với các cơ sở này gặp một số khó khăn. Các cơ sở này ít đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định hoặc đầu tư để đối phó với Đoàn kiểm tra.
Bên cạnh đó, một số cơ sở đóng cửa, hoạt động về đêm nhằm né tránh việc kiểm tra hành chính của các Đoàn kiểm tra. Một số cơ sở sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính đã đóng cửa, giải thể, chuyển địa điểm khác nhằm tránh né việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.