Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 15 - 20 trường hợp mắc uốn ván chuyển lên từ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc. Đây là những trường hợp đã ở giai đoạn phục hồi, còn những trường hợp không qua khỏi đã được người nhà xin về.
Người dân tiêm vắc-xin phòng uốn ván tại Viện Pastuer TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Đã hồi phục sau hơn nửa tháng nguy kịch, ông Nguyễn Văn Bàn (60 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận) vẫn không nghĩ mình mắc bệnh uốn ván. Ông kể, trước đó đi làm thợ hồ bị búa đập trúng ngón tay cái, tưởng đơn giản, ông mua thuốc kháng viêm về uống. Không ngờ 7 ngày sau, ông có triệu chứng cứng hàm, lưỡi bị cong lên, không nói chuyện, không ăn uống được.
Tưởng bị tai biến, ông được gia đình đưa đi châm cứu và điều trị thuốc nam tại một thầy lang gần nhà. Tuy nhiên, càng điều trị bệnh tình càng nặng thêm. Quá lo sợ, gia đình quyết định đưa ông vào TP Hồ Chí Minh điều trị, đến địa phận tỉnh Đồng Nai, ông ngất xỉu, phải cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Đồng Nai. Tại đây, ông được xác định mắc uốn ván thể nặng và chuyển khẩn cấp lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để cấp cứu. “Nào có nghĩ là bị uốn ván đâu, vết thương cũng nhỏ mà không ngờ tôi suýt mất mạng”, ông Bàn chia sẻ.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Phong cho hay, 100% ca nhập viện đều có tiền sử không được tiêm phòng đầy đủ, trong đó bệnh nhân ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn. Giải thích nguyên nhân, bác sỹ Phong cho rằng, độ tuổi lao động thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nhiều nguy cơ như dễ bị các vết thương hở, vật nhọn đâm vào người, trong khi trước đó chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, trong số bệnh nhân mắc uốn ván có khoảng 20 - 25% bệnh nhân không tìm thấy vết thương, còn lại 70 - 75% có vết thương, nhưng gần nửa đã lành vết thương. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Nhẫn, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, một buổi sáng thức dậy thấy khó nuốt, cứng hàm, đến bệnh viện huyện khám thì được chẩn đoán là viêm họng hạt. Uống thuốc mấy ngày không khỏi nên bà đến Bệnh viện Nhân dân 115 khám, rồi được xác định là mắc uốn ván và chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Bà Nhẫn cũng không biết vì sao mình lại mắc bệnh.
“Một trong những sai lầm của đa số người dân là khi bị vết thương mới đi tiêm phòng uốn ván. Người dân không nên cứ bị thương rồi mới tiêm phòng mà nên tiêm phòng chủ động để phòng bệnh”, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong cảnh báo.
Cũng theo bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, uốn ván có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh, nhất là những bệnh nhân lớn tuổi lại có sẵn bệnh nền. Ví dụ, bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu cơ tim, khi vi trùng uốn ván gây nên rối loạn thần kinh giật thì nhịp tim cũng tăng lên, bệnh nhân sẽ bị nhồi máu cơ tim và tử vong. Năm 2016 đã có 7 bệnh nhân tử vong vì uốn ván tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Với bệnh uốn ván, thời gian điều trị kéo dài từ 1 - 2 tháng, ngoài chi phí điều trị tốn kém, người bệnh còn bị những tổn thất về sức khỏe, tinh thần, ngày công lao động và sẽ bị ảnh hưởng đến năng suất lao động sau này do tình trạng cứng cơ, co giật gây nên.