Tại Trung tâm còn có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quý Châu - quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai…
Các điểm cầu tham gia hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng còn có lãnh đạo, chuyên gia của Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Đà Nẵng…
Hiện còn có 3 ca bệnh nặng cần hội chẩn là bệnh nhân số 19; 161 và bệnh nhân số 91 phi công người Anh. Trong đó, bệnh nhân số 19 đã nằm viện được 54 ngày và nằm ở khoa Hồi sức tích cực (ICU) được 44 ngày.
Nghe báo cáo về trường hợp bệnh nhân số 19, Hội đồng chuyên môn đánh giá bệnh nhân đã vượt qua những giai đoạn khó khăn và hiện các biểu hiện lâm sàng như khí máu, XQ phổi đều đã tốt lên; bệnh nhân cần tiếp tục tăng cường dinh dưỡng, chăm sóc hô hấp, tập phục hồi chức năng và cai máy thở. Các thành viên Hội đồng chuyên môn hy vọng bệnh nhân sớm được ra khỏi khoa ICU trong tuần tới.
Đối với bệnh nhân số 161 (88 tuổi) vừa tai biến vừa cao tuổi, đã có những tiến triển khả quan. Các bác sỹ cũng đang từng bước cai thở máy, xét bỏ máy; chăm sóc hô hấp, kết hợp phục hồi chức năng và bổ sung dinh dưỡng.
Bệnh nhân số 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trong tình trạng nặng, tiến triển chậm. Bệnh nhân đã được mở nội khí quản, tiếp tục sử dụng ECMO và thở máy.
Hội đồng chuyên môn đã thảo luận về tất cả các giải pháp từ sử dụng thuốc, các chỉ số sinh tồn, các vấn đề liên quan về xét nghiệm… Các thành viên hội chẩn cũng đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và nhóm hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy xem xét vấn đề sử dụng thuốc, liều lượng thuốc của người bệnh; xét nghiệm theo dõi nhiễm trùng bệnh viện, cấy lại vi khuẩn….
Tổng kết buổi hội chẩn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, việc các bệnh nhân COVID-19 âm tính sau khi ra viện trở về cộng đồng vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp cách ly sau điều trị. Trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương chịu trách nhiệm theo dõi và xét nghiệm lại. Nếu cần thiết phải khẳng định xét nghiệm tại Labo, tham chiếu kết quả xét nghiệm để khẳng định.
Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID 19 cũng yêu cầu các bệnh viện không được lơ là và chủ quan mà cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Tiếp sau buổi hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng đã diễn ra cuộc họp Hội đồng xác định các yêu cầu chuyên môn cần đáp ứng đối với máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Hội đồng gồm 16 thành viên do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình- Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng có nhiệm vụ xác định các yêu cầu chuyên môn đáp ứng cần đối với máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, báo cáo kết quả và trình Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, phê duyệt.
Các thành viên thảo luận về các tiêu chí sử dụng máy thở, sử dụng cho ai, tuyến nào; chức năng đáp ứng điều trị bệnh nhân COVID-19 cần điều kiện gì; sử dụng khi cấp cứu ngoại viện cần thêm chức năng gì?