Không để lây nhiễm bệnh cho các y bác sĩ và nhân viên y tế
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị ngành y tế TP Hồ Chí Minh phải tổ chức tốt công tác phòng chống nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; thực hiện các biện pháp an toàn, không để lây nhiễm bệnh cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế; đồng thời cần nỗ lực hết sức, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cho người bệnh và các cơ sở điều trị cần tập trung phương án điều trị tối đa để nhanh chóng điều trị khỏi cho người được xác định nhiễm bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, bệnh nhân người Mỹ gốc Việt T.H.K. đang được điều trị nhiễm virus Corona tại bệnh viện có tiến triển tốt, bệnh nhân khỏe, ăn uống sinh hoạt bình thường, không sốt, giảm ho, X-quang phổi có cải thiện… Tuy nhiên, hiện kết quả xét nghiệm bệnh nhân K. vẫn dương tính nên chưa được xuất viện. Bác sĩ Châu cho biết thêm, từ ngày 25/1 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 44 trường hợp, trong đó có 13 ca không triệu chứng; cách ly theo dõi 29 ca có triệu chứng, kết quả âm tính; một ca dương tính và một ca chưa có kết quả do mới nhập viện sáng nay (9/2).
Thông tin về ca bệnh đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện, cho hay ông Li Zing, bệnh nhân người Trung Quốc (66 tuổi) đang được bệnh viện điều trị có tiến triển tốt. Bệnh nhân mới được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Riêng nữ điều dưỡng, người đã tiếp xúc đầu tiên với cha con ông Li Zing (khoảng một phút rưỡi) phát hiện ra họ từ Vũ Hán đã kịp thời kích hoạt hệ thống điều trị dịch Corona, cũng trải qua 14 ngày cách ly. Hiện nữ điều dưỡng này đã quay lại làm việc trong tình trạng khoẻ mạnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, Trung tâm đã thực hiện theo dõi 39 người tiếp xúc với 3 bệnh nhân dương tính với virus Corona, đến nay đã có 11 người hết thời gian theo dõi, không ghi nhận trường hợp bệnh trong số người tiếp xúc gần. 18 ca đang cách ly y tế tập trung và 10 ca cách ly y tế tại nhà.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết các hoạt động của khối điều trị thuộc ngành y tế thành phố tham gia công tác phòng chống dịch, đặc biệt là hoạt động triển khai các phòng khám sàng lọc, khu cách ly điều trị nội trú theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế; công khai rộng rãi 47 bệnh viện đã có phòng khám sàng lọc và khu cách ly điều trị để người dân biết.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hoan nghênh những hoạt động phòng chống dịch bệnh của khối điều trị mang tính chủ động của ngành y tế TP Hồ Chí Minh và đánh giá cao hoạt động chỉ đạo của Ban chỉ đạo thành phố, nhất là chủ động triển khai bệnh viện dã chiến sẵn sàng phục vụ những tình huống có thể xảy ra.
Tăng cường kiểm soát, giám sát
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho rằng công tác phòng chống dịch do virus Corona tại TP Hồ Chí Minh đang được triển khai rất chủ động, khối dự phòng và điều trị đã vào cuộc giám sát, điều trị cho người bệnh ngay khi chưa có kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh có giao lưu đi lại nhiều, đặc biệt là các cửa khẩu hàng không nên sự lây lan có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, các biện pháp phòng chống dịch cần thực hiện triệt để hơn nữa. Hiện 50% đến 60% khách vào Việt Nam đi qua sân bay Tân Sơn Nhất, cảng biển và đường bộ, do đó áp lực trong quản lý, giám sát ca bệnh rất nặng nề.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hồ Chí Minh thông tin, tổng số trường hợp nhập cảnh được giám sát và cách ly y tế tại các cửa khẩu gồm 2.106 người, trong đó có một người đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc được cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của quận 6; 2.105 người được cách ly tại nơi cư trú. Tất cả những trường hợp trên được giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt bởi các đơn vị y tế và chính quyền địa phương, đến nay chưa có trường hợp nào phát hiện triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh.
Đánh giá về công tác giám sát, ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng, việc tổ chức giám sát các đối tượng đến TP Hồ Chí Minh từ những địa phương đã công bố dịch trong nước gặp khó khăn do không có thông tin chính xác về vùng dịch, không có thông tin chính thức về ổ dịch nên việc chẩn đoán ca nghi ngờ gặp khó khăn, dẫn đến việc chỉ định giám sát người đi về từ những tỉnh có ổ dịch được công bố cũng khó khăn. “Cục Y tế dự phòng phải thường xuyên cập nhật thông tin về các ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam để hỗ trợ cho các địa phương trong công tác giám sát dịch tễ”, ông Dũng đề nghị.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thông tin, Thành phố đã có những chỉ đạo rốt ráo vào cũng đã họp khẩn với các sở, ngành liên quan để thực hiện phương án phòng chống dịch. Thành phố đã in tờ rơi, tuyên truyền đến người dân; in 5 triệu tờ rơi để trang bị kiến thức cho người dân, chủ động mọi phương án chống dịch.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế sớm thẩm định và công nhận kết quả xét nghiệm chẩn đoán tác nhân Corona của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, giúp giảm tải cho Viện Pasteur và thuận lợi hơn cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố trong công tác thu dung điều trị.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đồng ý với các kiến nghị của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhất là công nhận kết quả xét nghiệm chẩn đoán của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, đồng thời nhắc các bệnh viện thực hiện nghiêm túc những quy định mới của Bộ Y tế về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.