Ở nơi tâm dịch, người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất là các y bác sĩ trực tiếp điều trị cho các ca mắc nCoV; nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập” này, không ai dám vào thì họ phải xả thân đương đầu với dịch bệnh. Áp lực trước mỗi ca bệnh, các y bác sĩ lại thêm lo phòng bệnh cho chính mình, cho người thân đã quá quen với các bác sĩ truyền nhiễm.
Khẩn trương, trách nhiệm ở nơi “tuyến đầu”
Gần 12 giờ trưa, chúng tôi mới được BS. Bá Đình Thắng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sắp xếp cho một cuộc hẹn tại cơ sở Đông Anh, nơi trực tiếp đón nhận, điều trị cho các ca dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Có đến tận nơi mới biết, ở tâm dịch, các y bác sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng, dồn tâm sức cho một đợt dịch mới.
Cánh cửa khu cách ly mở ra, vẫn trong bộ đồ phòng hộ kín mít, BS. Bá Đình Thắng có vẻ hơi vội vã nhưng ánh mắt như cười: “Các bạn đang ở tâm dịch đấy! Nếu dũng cảm hãy cùng vào đây với chúng tôi!”. Đã trang bị sẵn sàng khẩu trang y tế, chúng tôi hít một hơi dài rồi theo chân vị bác sĩ trẻ vào thẳng nơi “tuyến đầu” dịch bệnh.
Thấy phóng viên bước vào, các bác sĩ vội ra hiệu cho chúng tôi nhanh chóng di chuyển vào phòng hành chính của các y, bác sĩ- nơi được coi là khu vực an toàn nhất trong khu cách ly ngồi chờ; còn BS. Thắng lại tất bật với việc khám cho các bệnh nhân nghi nhiễm nCoV đang xếp hàng; ngoài khám, công việc của các bác sĩ có thêm phần điều tra dịch tễ, hỏi han bệnh nhân về lịch trình đi lại, gặp gỡ… thật tỉ mỉ.
Phòng hành chính ngay cạnh phòng cách ly đặc biệt luôn đóng kín, nơi đang điều trị cho 4 bệnh nhân dương tính với nCoV. Vào nơi này mới thấy hết tốc lực làm việc của nhân viên y tế với những tập bệnh án xếp chồng trên bàn; rảnh tay khám, đón tiếp bệnh nhân họ lại tất bật với nhập dữ liệu, lên phác đồ, báo cáo…
Gần 12 giờ rưỡi, BS. Thắng bước vào phòng, tiếp tục câu chuyện với chúng tôi. Qua câu chuyện của BS. Thắng kể về những ngày chiến đấu với nCoV, chúng tôi đã hiểu thêm phần nào những nỗ lực của họ ở nơi tuyến đầu dịch bệnh.
BS. Thắng vẫn còn nhớ ngày đón những bệnh nhân đầu tiên dương tính với nCoV vào viện.
“Buổi sáng hôm đó, tôi cùng với anh em trong tua trực đón tiếp bệnh nhân N.T.D (ở Vĩnh Phúc) đến khám. Sau khi khai thác thấy bệnh nhân có tiền sử dịch tễ và các triệu chứng lâm sàng thuộc diện có yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh, ngay lập tức chúng tôi phân loại, cho bệnh nhân nhập viện cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả các khâu hết sức khẩn trương, cả tua trực đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo đúng quy trình. Sau đó, đúng như dự đoán, khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gửi kết quả khẳng định bệnh nhân dương tính với nCoV, bệnh nhân chuyển vào khu cách ly đặc biệt này để điều trị.”
“Khi có thông tin về dịch bệnh mới, chúng tôi đã luôn trên tinh thần sẵn sàng tiếp nhận những ca bệnh như thế. Trước đó, lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các khoa, phòng cũng đã chỉ đạo sẵn sàng để chiến đấu chống dịch. Mỗi vụ dịch có đặc thù khác nhau, nguy cơ lây nhiễm khác nhau… nhưng khi tiếp xúc với ca đầu tiên, anh em trong ca trực lúc nào cũng hết sức tích cực, khẩn trương, thực hiện đầy đủ các biện pháp và chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phòng ốc để cách ly, theo dõi”, BS. Thắng chia sẻ.
Được phân công làm việc trong khu cách ly của khoa Cấp cứu, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân dương tính với nCoV, công việc của BS. Thắng và các y bác sĩ ở đây là hàng ngày thăm khám, đánh giá toàn trạng của bệnh nhân, các dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng lâm sàng… Thậm chí cả vấn đề dinh dưỡng, ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân trong giai đoạn trong phòng cách ly đặc biệt.
Chỉ tay lên màn hình hiển thị camera theo dõi bệnh nhân tại phòng cách ly, BS. Thắng chia sẻ: “Bốn bệnh nhân đang điều trị tại đây hiện đều ổn định, chỉ còn một bệnh nhân còn đang viêm phổi, các bệnh nhân chỉ chờ kết quả âm tính là sẽ được cân nhắc để xuất viện. Trong quá trình điều trị, bác sĩ của ca trực sẽ là người trực tiếp vào thăm khám, theo dõi người bệnh trong cả tua trực, chúng tôi cũng phải hạn chế những người khác phải luân phiên vào phòng bệnh để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm”.
Nhìn hình ảnh các bệnh nhân đã khoẻ, sinh hoạt bình thường trong phòng cách ly đủ hiểu đây là những nỗ lực không hề nhỏ của các y, bác sĩ trong những ngày qua.
Đối mặt nhiều áp lực
Làm việc tại Khoa Cấp cứu, công việc hàng ngày của BS. Thắng cũng như các y, bác sĩ ở đây vốn đã áp lực sẵn vì luôn phải tiếp đón nhiều bệnh nhân nặng. Trong đợt dịch này lại phải “gánh” thêm nhiệm vụ phân loại, cách ly, điều trị... khiến họ càng thêm áp lực, thời gian làm việc cũng thất thường hơn.
“Bình thường hết ca trực chúng tôi có thể nghỉ, nhưng những ngày này, bệnh nhân đến khám đông, anh em trong khoa phải ở lại hỗ trợ các bác sĩ trực trong việc khám, phân loại bệnh nhân nên về nhà muộn là chuyện thường xuyên”, BS. Thắng chia sẻ.
Tuy nhiên, với BS. Thắng việc điều trị cho bệnh nhân, thời gian làm việc kéo dài lại không khiến anh cảm thấy căng thẳng bằng việc phải đối mặt với áp lực từ bên ngoài.
Những ngày làm việc trong khu cách ly, ngoài nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân cho mình, từ mình cho người thân; áp lực lực hơn cả với các bác sĩ lại đến từ xã hội, mạng phát triển nên bất kỳ thông tin gì cũng có thể lan truyền nhanh chóng gây hoang mang.
Anh tâm sự: “Bác sĩ chúng tôi sợ nhất là những thông tin thất thiệt gây lo lắng. Hàng ngày tôi lại thêm việc phải trả lời rất nhiều cuộc điện thoại từ người thân, bạn bè gọi đến, nội dung chủ yếu để kiểm chứng những thông tin trên mạng. Họ trông chờ những lời giải thích từ các bác sĩ để có thể yên lòng. Điều đáng sợ nhất là những thông tin thất thiệt có thể khiến người dân vì lo sợ, hoang mang mà kéo vào viện khám, không những dẫn đến quá tải mà còn tăng khả năng lây nhiễm”.
Bác sĩ Bá Đình Thắng chia sẻ về công tác đón tiếp bệnh nhân nCoV:
Đó là chưa kể, rời công việc về nhà, tuy người thân thông cảm nhưng hàng xóm, bạn bè của anh lại “ngại” tiếp xúc vì công việc hàng ngày trong tâm dịch. Thậm chí vợ anh cũng được “đặc cách” làm việc tại nhà, những ai biết cô là vợ bác sĩ truyền nhiễm cũng có sự ngăn cách trong giao tiếp.
“Người dân vẫn có những khoảng cách với nhân viên y tế ở vùng dịch tễ. Tuy vậy, rất may mắn là công việc của tôi lại được sự ủng hộ từ người thân, gia đình. Vợ tôi cũng rất cảm thông, hai vợ chồng vẫn chia sẻ công việc, động viên nhau hàng ngày. Để có được sự đồng thuận đó, tôi cũng từng phải giải thích với vợ về đặc thù công việc, các yếu tố nguy cơ và đảm bảo phòng dịch. Điều quan trọng nhất là chúng tôi luôn tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc phòng dịch như: Mặc đồ bảo hộ lúc đi khám, và khu cách ly, vệ sinh tay, đeo khẩu trang đầy đủ; hết ca trực cũng phải tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ trước khi về nhà… Vì vậy, vợ tôi không những hiểu mà cũng không có chuyện xa lánh hay khoảng cách với chồng”, BS. Thắng vui vẻ kể.
Rời tâm dịch lại về nhà cho con bú
Có lẽ những người thân của các bác sĩ, điều dưỡng làm việc trong tâm dịch lại không có sự lựa chọn nào khác, có lẽ họ cũng đã quá quen với các vụ dịch dù không tránh khỏi những lo sợ.
Với điều dưỡng Trần Thị Toàn, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, dù con nhỏ được đặc cách không phải trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân dương tính với nCoV nhưng công việc trong khu vực cách ly cũng đầy những nguy cơ, rủi ro. Không quản ngại những khó khăn ấy, chị vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
“Tuy đã quen với các vụ dịch nhưng khi nghe thông tin về dịch bệnh mới nCoV, chúng tôi lại lo lắng, không chỉ lo vì công việc chăm sóc cho bệnh nhân mà nghĩ đến cảm giác xót xa mỗi khi đón thêm một bệnh nhân dương tính. Khi biết mình được phân công làm việc trong tâm dịch cùng các đồng nghiệp, tôi thậm chí đã phát khóc, nhưng lý do không phải vì buộc phải nhận nhiệm vụ đầy rủi ro mà bởi nghĩ thương cho bệnh nhân khi mắc bệnh dịch nguy hiểm này”, điều dưỡng Trần Thị Toàn xúc động.
Thực sự những ngày làm việc ở tâm dịch, với những nhân viên y tế như chị Toàn, chủ yếu vẫn là áp lực tâm lý.
Đó là chưa kể, ngày nào cũng vậy, rời công việc ở khu cách ly là điều dưỡng Toàn lại về nhà chăm con nhỏ. Cả hai con của chị còn nhỏ, cháu lớn 2 tuổi và cháu nhỏ mới 8 tháng tuổi. Chính vì thế mà công việc trong vùng nguy cơ của chị cũng khiến người nhà lo lắng.
“Hết ca trực, buổi tối tôi về nhà và vẫn cho con bú bình thường. Trong khi làm việc tôi luôn cố gắng tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng dịch theo quy định, về nhà tôi cũng thường xuyên phổ biến kiến thức, đồng thời theo dõi và giám sát theo dõi tình hình sức khoẻ của các cá nhân trong gia đình”, chị chia sẻ.
Cũng theo điều dưỡng Trần Thị Toàn, bản thân là một nhân viên y tế tham gia chống dịch nên bên cạnh tham gia cứu chữa người bệnh, việc phải bảo vệ chính bản thân mình không bị lây nhiễm là rất quan trọng.
“Để đảm bảo an toàn ra khỏi khu vực có dịch, trước khi đi về nhà, tôi đảm bảo việc vệ sinh như: Súc miệng, họng bằng nước muối, tắm giặt, thay quần áo mới tại bệnh viện rồi mới ra về. Hiện tôi vẫn cho con bú và chăm sóc con bình thường, chứ không phải cách ly hoàn toàn với con” điều dưỡng Toàn vừa khử trùng đôi bàn tay vừa chia sẻ.
Hơn ai hết với những nhân viên y tế công tác ở nơi tâm dịch, họ luôn mong dịch sớm qua, bệnh nhân chóng khỏi và ra viện. Để có được những thành công trong phòng chống dịch, những nỗ lực, vất vả ngày đêm ấy với họ có là chi.
Rời khu cách ly, chia tay các y bác sĩ, chúng tôi ra về và không quên nói lời cảm ơn với những tấm lòng tận tuỵ, quả cảm vì người bệnh nơi tâm dịch. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi không những giúp chúng tôi thêm hiểu về câu chuyện “đương đầu” với nCoV của các “chiến sĩ áo trắng” mà còn giúp bớt đi những lo lắng, hoang mang về dịch bệnh.
Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên
Trình bày: T.N
09/02/2020 10:16