Để chủ động thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống bệnh dại từ động vật, nâng cao tỷ lệ, chất lượng tiêm phòng vắc xin dại và đặc biệt không để xảy ra thêm ca tử vong trên người, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là việc để xảy ra trường hợp người tử vong do bệnh dại.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các cơ quan chức năng hướng dẫn chủ nuôi chó, mèo thực hiện ký cam kết, quản lý chó nuôi tại hộ gia đình, yêu cầu chủ vật nuôi cam kết không thả rông chó, đeo rọ mõm cho chó khi đưa ra nơi công cộng, có dây xích và có người dắt, nhất là khu vực thành, thị, nơi tập trung đông dân cư. Bên cạnh đó, cần thành lập tổ, đội bắt giữ, xử lý chó thả rông, chó không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại và xử phạt hành chính đối với chủ nuôi chó không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin dại, nuôi chó thả rông theo Nghị định số 90/2017NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y. Đồng thời, cần rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn chó nuôi, đảm bảo mỗi con chó được tiêm 1 lần trong năm và yêu cầu tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại tại các khu vực vùng cao đạt trên 70%, khu vực vùng thấp đạt trên 85% tổng đàn. Riêng đối với 8 phường, thị trấn thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh dại: Cốc Lếu, Lào Cai, Kim Tân, Duyên Hải (thành phố Lào Cai), thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa), thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà), thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) và thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát), đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại/tổng đàn đến cuối năm 2018 đạt ít nhất 90%. Hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin dại trên toàn tỉnh trước ngày 30/10/2018.
Đặc thù của vùng cao Lào Cai là diễn biến khí hậu phức tạp cùng tập quán nuôi chó, mèo của đồng bào theo kiểu tự phát, thả rông, vì vậy nguy cơ vật nuôi bị nhiễm virus bệnh dại rất cao và khả năng phát tán, lây lan ra môi trường chung quanh cũng rất cao và phức tạp. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lào Cai cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư về bệnh dại, tác hại và sự nguy hiểm của bệnh dại, về hiệu quả của việc tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo, để người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng, chống; người tiếp xúc với chó, mèo, người giết mổ chó cần phải có bảo hộ và chủ động tiêm phòng vắc xin ngay sau khi bị chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh dại cắn, cào, thông báo kịp thời các trường hợp động vật mắc và nghi mắc bệnh dại cho cơ quan Thú y và chính quyền cơ sở.
Theo ông Nguyễn Văn Sửu, ngành Y tế tỉnh Lào Cai đã chủ động cung cấp đủ vắc-xin, kháng huyết thanh điều trị cho người phơi nhiễm với bệnh dại và chỉ đạo các cơ sở Y tế tích cực tư vấn cho người bị phơi nhiễm điều trị dự phòng kịp thời, cung cấp địa chỉ các điểm tiêm phòng vắc-xin dại cho người dân. Tuy vậy, theo điều tra, phân loại của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai, có tới 30% trong số hơn một nghìn người bị phơi nhiễm là người nghèo và cận nghèo, ở vùng cao, vùng sâu của tỉnh. Một liệu trình tiêm vắc-xin phòng dại thông thường gồm năm mũi vắc-xin (giá 220 nghìn đồng/mũi) và ba lọ huyết thanh (giá 400 nghìn đồng/lọ), tổng cộng khoảng 2,3 triệu đồng. Đối với những hộ nghèo và cận nghèo thì đó là một khoản tiền lớn, vì vậy khi chẳng may bị phơi nhiễm, họ rất dễ bỏ qua, khi virus bệnh dại phát tác đưa đến bệnh viện thì đã muộn. Chính vì thế, ngành Y tế tỉnh Lào Cai đã xây dựng xong phương án hỗ trợ mũi tiêm cho những đối tượng nghèo cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Lào Cai trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét để ban hành trong thời gian tới.
Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân khi bị động vật cắn, cần sát trùng vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch. Có thể dùng cồn hoặc oxy già để rửa, không được làm dập vết thương và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và xử lý kịp thời.