Tại hội nghị, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Cục Thú y, UBND, ngành Y tế 4 tỉnh Tây Nguyên (gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông) cho rằng, các tỉnh trong khu vực chưa quản lý được đàn chó; tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó đạt thấp; hiểu biết của người dân chưa đầy đủ; trong khu vực có 50 huyện, thành phố nhưng hơn một nửa số huyện, thành phố chưa có điểm tiêm phòng bệnh dại… Đây là những khó khăn, thách thức cho các tỉnh Tây Nguyên trong công tác phòng chống bệnh dại.
Nhằm giảm số người tử vong do bệnh dại tại khu vực Tây Nguyên, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Quản lý Chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại trên người (Bộ Y tế) cho rằng: Khu vực Tây Nguyên địa bàn rộng, các bệnh nhân bị chó cắn gặp khó khăn khi tiếp cận được vắc xin phòng dại.
Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh cũng khuyến cáo, các tỉnh Tây Nguyên cần tăng cường biện pháp phòng bệnh dại. Cụ thể, cần mở rộng các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại từ tuyến tỉnh đến huyện; nâng số điểm tiêm phòng bệnh dại tại các huyện. Bên cạnh đó, quan tâm tới việc quản lý đàn chó, tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó để có thể giảm nguy cơ người mắc bệnh dại do chó cắn.
Thời gian qua, tình hình tử vong do bệnh dại tại khu vực Tây Nguyên tăng cao đột biến. Theo số liệu từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, năm 2017 tại Tây Nguyên có 9 ca tử vong do bệnh dại; riêng 3 tháng đầu năm 2018 đã có 6 ca tử vong do bệnh dại, trong đó tỉnh Kon Tum có 4 ca, 2 ca còn lại tại tỉnh Đắk Lắk.