Đồng thời, lãnh đạo ngành Y tế yêu cầu nhân viên y tế không rời khỏi địa bàn trong khoảng thời gian này.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực tế thời gian gần đây, một số cơ sở khám chữa bệnh đưa vào sử dụng hệ thống buồng khử khuẩn toàn thân. Theo nhà sản xuất, hệ thống buồng khử khuẩn được thiết kế dựa trên nguyên tắc sử dụng dung dịch nước muối ion hóa (Anolyte) dạng phun sương toàn thân nhằm sát khuẩn nhanh bề mặt cơ thể con người.
Tuy nhiên, ngày 26/3, Sở Y tế nhận được ý kiến chuyên môn của Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, tác dụng khử khuẩn của Anolyte chính là nhờ vào thành phần Clo hoạt tính. Trong y tế, anolyte được sử dụng chủ yếu để khử khuẩn các dụng cụ, bề mặt buồng bệnh, phòng mổ, máy móc, vật dụng hàng ngày...
Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân khi chưa được Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Y tế thông qua vì chưa đủ tài liệu chứng minh hiệu quả diệt vi khuẩn và sự an toàn cho người sử dụng. Anolyte có thể gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp.
Trên cơ sở đó, Sở Y tế khuyến cáo các cơ sở khám bệnh chữa bệnh, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân do chưa được chứng minh về hiệu quả diệt virus và sự an toàn đối với người sử dụng.
Để đảm bảo an toàn trong các cơ sở y tế, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhân viên y tế không không tập hợp đồng người, không tham gia sự kiện đông người như đám cưới, đám tang, tiệc ăn uống và hạn chế đến những nơi công cộng….
Bên cạnh đó, lãnh đạo các cơ sở y tế phải thường xuyên kiểm tra lại kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở tại đơn vị mình nhằm đảm bảo tránh lây nhiễm trong nhân viên y tế. Các cơ sở y tế bố trí, sắp xếp lại các khu vực khám bệnh, chữa bệnh và các quy trình hoạt động để đảm bảo không tập trung đông người; tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ thân nhân người bệnh đến thăm nuôi, điều tra dịch tễ người bệnh và người thăm nuôi; hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc giữa người bên ngoài với nhân viên y tế và người bệnh trong cơ sở. Các cơ sở tăng cường các biện pháp giám sát người đến liên hệ công tác, người lao động trong các bộ phận khác của đơn vị (nhân viên vệ sinh, bảo vệ, nhân viên giữ xe...).
Đặc biệt, nhằm đảm bảo đủ nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Y tế yêu cầu nhân viên y tế không được rời địa bàn từ 18 giờ ngày 26/3.