Theo Hướng dẫn quốc gia về sàng lọc và quản lý đái tháo đường thai kỳ của Bộ Y tế, những thai phụ có các yếu tố nguy cơ sau dễ mắc đái tháo đường thai kỳ:
Thai phụ thừa cân, béo phì: Ở người thừa cân, béo phì có tình trạng kháng insulin và tăng tiết insulin gây rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể.
Người có tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường thế hệ thứ nhất là một trong những người có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ, cao hơn 50-60% so với nhóm có tiền sử gia đình không có người mắc bệnh.
Người có tiền sử sinh con to: Cân nặng của trẻ sơ sinh mới chào đời trên 4 kg vừa là hậu quả của đái tháo đường thai kỳ, vừa là yếu tố nguy cơ cho bà mẹ ở những lần mang thai sau.
Người có tiền sử bất thường về dung nạp glucose: Đây là yếu tố nguy cơ cao đối với đái tháo đường thai kỳ, đa số người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose thì khi có thai đều bị đái tháo đường thai kỳ.
Người có glucose niệu dương tính: Đây cũng là yếu tố nguy cơ cao đối với đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên có khoảng 10-15% thai phụ có tình trạng glucose niệu dương tính nhưng không có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ.
Theo nhiều nghiên cứu, khi phụ nữ lớn hơn 35 tuổi mang thai, nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ tăng cao hơn.
Người có tiền sử sản khoa bất thường như: Thai lưu, con bị dị tật bẩm sinh, mẹ bị tiền sản giật, sinh non cũng có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ.
Một số trường hợp khác cũng có nguy cơ mắc bệnh này như: Chủng tộc (châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc đái tháo đường cao); người bị hội chứng buồng trứng đa nang; tăng huyết áp; rối loạn lipit máu...
Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn so với các thai phụ bình thường như: Tăng huyết áp, sinh non, đa ối, sảy thai và thai lưu, nhiễm khuẩn niệu, biến chứng cấp như hôn mê...
Vì vậy, việc theo dõi các nguy cơ, sàng lọc và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ sớm là rất quan trọng, giúp thai phụ có thể kiểm soát bệnh, phát hiện sớm và chăm sóc tránh được các biến chứng nặng.