Hơn 14.300 ca mắc sốt xuất huyết, 6 ca tử vong
Nhận định về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát TP Hồ Chí Minh cho biết, dữ liệu giám sát cho thấy, TP đang bước vào cao điểm mùa mưa, với các điều kiện môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Số ca mắc hàng tuần có xu hướng tăng nhanh và lan rộng địa bàn.
TP Hồ Chí Minh ghi nhận số ca mắc sốt huyết tăng hơn 153% so với cùng kỳ năm 2024.
Số liệu thống kê trong tuần 27 (từ ngày 30/6 đến 6/7), toàn Thành phố ghi nhận 838 ca sốt xuất huyết, tăng 43 ca so với tuần trước (795 ca). Cụ thể, khu vực TP Hồ Chí Minh (cũ) ghi nhận 704 ca sốt xuất huyết, tăng 38,8% so với trung bình 4 tuần trước; khu vực Bình Dương ghi nhận 84 ca, tăng 40 ca so với cùng kỳ và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 50 ca, tăng 15 ca so với tuần trước.
Tích luỹ đến tuần 27 năm 2025, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới đã có 14.370 ca sốt xuất huyết được ghi nhận, tăng 153,3% so với cùng kỳ năm 2024 (8.696 ca). Cũng trong thời gian này, toàn địa bàn ghi nhận tổng cộng 6 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó khu vực TP Hồ Chí Minh cũ ghi nhận 3 ca tử vong, khu vực Bình Dương ghi nhận 2 ca tử vong và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 1 ca tử vong.
“Nếu công tác kiểm soát ổ dịch và diệt lăng quăng không được duy trì thường xuyên, nguy cơ hình thành các chuỗi lây nhiễm thứ phát là rất cao, có thể gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt tại các bệnh viện nhi và tuyến quận, huyện”, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cảnh báo.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết. Một số địa phương ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bến Tre tăng 346,5%, Tây Ninh tăng 274,3%, Long An tăng 208,6%, Đồng Nai tăng 191,7% và TP Hồ Chí Minh tăng hơn 153%.
Đánh giá mức độ kiểm soát dịch hiện nay, ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh Bộ Y tế cho rằng, đến nay, dịch sốt xuất huyết vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển như hiện nay, nguy cơ gia tăng số ca mắc trong thời gian tới là rất lớn. Theo dõi nhiều năm qua cho thấy, số ca mắc thường gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12. Đáng chú ý là chu kỳ xảy ra các đợt bùng phát dịch đang có xu hướng rút ngắn, từ khoảng 5 năm một đợt trước đây thì nay còn khoảng 3 - 4 năm. Gần nhất là đợt dịch năm 2022 với số ca mắc lên tới hơn 370.000 ca.
"Vì vậy, nếu các địa phương không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, nguy cơ bùng phát dịch trong năm 2025 là hoàn toàn có thể xảy ra. Bộ Y tế đang theo dõi sát tình hình và đã có các văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố, đặc biệt những nơi có số ca mắc cao cần chủ động kiểm soát ổ dịch sớm, không để dịch lan rộng và kéo dài", ông Võ Hải Sơn thông tin thêm.
Triển khai đồng loạt các giải pháp chặn dịch
Ông Võ Hải Sơn cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền qua muỗi, nên những yếu tố như mưa nhiều, độ ẩm cao và nhiệt độ tăng là điều kiện rất thuận lợi cho muỗi phát triển và truyền bệnh. Việt Nam lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, vì vậy có nguy cơ cao nếu không có biện pháp kiểm soát triệt để.
Người dân cần diệt lăng quăng bằng cách tìm và loại bỏ vật chứa nước mà muỗi vằn có thể đẻ trứng.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã thường xuyên chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ giải pháp phòng chống. Trước hết là xác định các điểm nóng, ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ để giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý ổ dịch ngay, không để lan rộng; đồng thời huy động toàn bộ hệ thống chính trị và chính quyền các cấp vào cuộc, từ xã, phường đến tổ dân phố, khu dân cư để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cùng thực hiện các hoạt động loại bỏ ổ chứa lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình, phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt muỗi tại cộng đồng.
Ngoài ra, hệ thống y tế cần chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc men, hóa chất, thiết bị, dịch truyền, giường bệnh và thực hiện tốt việc phân tuyến điều trị để hạn chế quá tải và giảm tối đa số ca tử vong.
Tại TP Hồ Chí Minh, so sánh với giai đoạn 2019 - 2022, các đợt dịch lớn đều bùng phát từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8, đây cũng là khung thời gian Thành phố cần đặc biệt cảnh giác. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa bàn, ngành y tế Thành phố đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp đáp ứng nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Cụ thể, đã tăng cường các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch và đánh giá điểm nguy cơ, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình. Công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết được đẩy mạnh qua nhiều kênh, trong đó ứng dụng “Y tế trực tuyến” tiếp tục được sử dụng để tiếp nhận phản ánh và theo dõi xử lý các điểm nguy cơ.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, với xu hướng gia tăng ca bệnh trong mùa mưa, TP Hồ Chí Minh tiếp tục xác định chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý triệt để là giải pháp then chốt để kiềm chế dịch sốt xuất huyết. Ngành y tế Thành phố sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết để cảnh báo và kịp thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu số ca mắc bệnh sốt xuất huyết.
Trước diễn biến phức tạp, ngành y tế Thành phố khuyến cáo người dân không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại hộ gia đình, cộng đồng và các cơ sở công cộng như sau: Diệt lăng quăng bằng cách tìm và loại bỏ vật chứa nước mà muỗi vằn có thể đẻ trứng; diệt muỗi và phòng ngừa muỗi chích bằng các biện pháp như ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt muỗi...
Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.