Bệnh nhân nữ V.T.P (sinh năm 1975, ngụ tại Vĩnh Long) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào chiều tối 11/10 với vết thương phức tạp ở vùng tầng sinh môn. Trước đó, bệnh nhân trèo cây hái quả, không may ngã từ trên cao, rơi xuống cọc gỗ ở bờ sông trong tư thế ngồi. Tiền sử bệnh nhân bị xơ gan khoảng 10 năm.
Đánh giá tổn thương nguy kịch, bác sĩ Khoa Cấp cứu vừa hồi sức và hội chẩn các chuyên khoa. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu tối khẩn ngay trong đêm 11/10 với chẩn đoán: vết thương hở của bụng, lưng dưới và chậu hông, vết thương phức tạp tầng sinh môn trên cơ địa bệnh nền xơ gan.
Các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp thám sát thấy vết thương nham nhở tầng sinh môn, tổn thương trực tràng, rách thành bên trước âm đạo, bên trong có dị vật dạng vỏ cây mục. Trong ổ bụng có khoảng 600ml máu loãng không đông, 200g máu cục. Vết thương xuyên giữa bàng quang, tử cung vào ổ bụng, đâm lên thành bụng trước làm toác cơ thành bụng trước, tổn thương 3 lỗ mạc treo và đứt đôi ruột non. Bệnh nhân đã được cắt khoảng 60cm đoạn ruột non hoại tử.
Ê-kíp Ngoại Thận - tiết niệu và Phụ sản thám sát thấy bàng quang thủng 2 lỗ, lỗ vào thông thành trước âm đạo, lỗ ra vào ổ bụng, kích thước 3x3 cm, tách rời thành âm đạo. Các bác sĩ Khoa Phụ sản thực hiện cắt tử cung toàn phần do tử cung bị rách phức tạp không thể bảo tồn, đóng mỏm âm đạo. Các bác sĩ Khoa Ngoại Thận - tiết niệu tiếp tục khâu lại bàng quang, bơm kiểm tra 200 ml nước không rỉ. Trong quá trình thám sát, bệnh nhân còn được đặt ống thông niệu quản do có lỗ rách vùng tam giác gần 2 niệu quản.
Sau khi chuyên khoa Ngoại Thận - Tiết niệu và Phụ sản xử trí tổn thương, ê-kíp Khoa Ngoại Tổng hợp tiếp tục phẫu thuật đem đại tràng sigma làm hậu môn nhân tạo, dẫn lưu theo dõi… Ca phẫu thuật thành công sau 5 giờ căng thẳng.
Ngày 24/10, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, vết mổ khô, các ống dẫn lưu đã rút chỉ duy trì ống mở bàng quang ra da. Bệnh nhân đã ăn uống được, tiếp tục điều trị và theo dõi tại Khoa Ngoại Tổng hợp.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Phi Hùng, Khoa Ngoại Tổng quát (phẫu thuật viên chính), tầng sinh môn bao gồm phần đáy chậu và các cấu trúc xung quanh, có chức năng bảo vệ, nâng đỡ cơ quan trong vùng chậu như tử cung, âm đạo, trực tràng, bàng quang, hậu môn… Vì vậy, những tổn thương ở tầng sinh môn ở cả nam giới và nữ giới đều có nguy cơ cao tổn thương đa cơ quan. Thời gian điều trị thường kéo dài, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Để tránh tổn thương vùng đáy chậu, người dân cần cẩn thận trong sinh hoạt và có biện pháp bảo hộ trong lao động để không bị trượt ngã hoặc ngồi phải những vật sắc nhọn như gốc cây đã chặt, trụ đinh, trụ sắt...
Các bác sĩ khuyến cáo, sơ cứu và cấp cứu trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể cần lưu ý không được rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu. Vì trong các trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm thời. Nếu rút ra, sẽ làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì chảy máu ồ ạt. Rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên. Thay vào đó, người sơ cứu, cấp cứu cần băng cố định dị vật (bằng băng thun, vải hoặc vật liệu tương tự) nhằm không cho vật nhọn xê dịch, tránh chảy máu nhiều, giảm đau đớn cho bệnh nhân. Đồng thời, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời, đúng cách.