Mô hình Trạm y tế công - tư
Giữa năm 2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trạm y tế xã hội hóa đầu tiên của cả nước được ra đời. Theo đó, một phòng khám đa khoa hiện đại mang tên Phòng khám DHA được đặt ngay tại Trạm Y tế Phường 11, Quận 3, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Sản phẩm trạm y tế công – tư này là thành quả của sự bắt tay hợp tác giữa Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Y tế Việt Anh.
Từ khi ra đời, ngoài việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vốn có, Trạm Y tế Phường 11 được đầu tư thêm nhân lực, trang thiết bị cần thiết để khám chữa bệnh theo mô hình phòng khám bác sỹ gia đình. Đây cũng là lần đầu tiên một trạm y tế được trang bị các máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, miễn dịch… có thể xét nghiệm các tác nhân vi-rút, vi khuẩn và xét nghiệm tầm soát các loại bệnh ung thư, bệnh di truyền, chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán sau sinh…
Sau hơn 1 năm hoạt động, đã có hơn 40% người dân trên địa bàn Phường 11 sử dụng dịch vụ của phòng khám này. Người dân đến đây chủ yếu để tầm soát bệnh, khám sức khỏe định kỳ và có khoảng 90% khách hàng hài lòng với các dịch vụ tại đây. Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là kết quả khá ấn tượng bởi lâu nay tại một địa bàn nằm ngay trung tâm Thành phố như Quận 3, người dân rất hiếm khi tìm đến trạm y tế.
Sau thành công bước đầu tại Trạm Y tế Phường 11, Công ty Cổ phần Y tế Việt Anh đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm một số phòng khám tương tự tại các trạm y tế trên địa bàn Quận 3.
Cánh tay nối dài của bệnh viện
Với 17 bác sỹ chuyên khoa gồm cấp cứu, nội, ngoại, nhi, răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt, sản phụ khoa, da liễu, y học cổ truyền…, bắt đầu từ tháng 8/2018, Trạm Y tế phường Thảo Điền, Quận 2, chính thức “lên đời”, xóa bỏ định kiến trạm y tế không có bác sỹ tồn tại hàng chục năm qua. Đây là sự đầu tư của Bệnh viện Quận 2 nhằm “chia lửa” giảm tải cho bệnh viện quận.
Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết, ngoài 17 bác sỹ, đơn vị này cũng đầu tư các thiết bị hiện đại như máy sinh hóa bán tự động, máy siêu âm, máy X-Quang, máy điện tim… để người dân khi khám bệnh tại Trạm Y tế phường Thảo Điền đều được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm như tại bệnh viện quận. Dự kiến, Phòng khám đa khoa vệ tinh Bệnh viện Quận 2 đặt tại Trạm Y tế phường Thảo Điền sẽ tiếp nhận hơn 300 lượt khám bệnh mỗi ngày.
Trước đó, Bệnh viện Quận Thủ Đức và Bệnh viện Quận Tân Phú cũng đã mở phòng khám vệ tinh đặt tại các trạm y tế và đã phát huy hiệu quả tích cực. Cụ thể, kể từ khi Bệnh viện quận Tân Phú đặt Phòng khám đa khoa vệ tinh tại Trạm Y tế phường Tây Thạnh, mỗi ngày có khoảng 70 lượt bệnh nhân đến khám bệnh.
Trạm Y tế phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, cũng thu hút khoảng 110-150 lượt bệnh nhân mỗi ngày kể từ khi các bác sỹ của Bệnh viện quận Thủ Đức được điều chuyển về đây công tác. “Đây chính là những cánh tay nối dài của bệnh viện tuyến quận, huyện và đã từng bước gây dựng niềm tin của người dân đối với các trạm y tế”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét.
Đến Trạm Y tế phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, vì những cơn đau quặn thắt vùng bụng, anh Lê Lâm Trường, cư dân sinh sống trên địa bàn phường Tây Thạnh, được bác sỹ Hoàng Thị Kim Trang chẩn đoán đau dạ dày và cấp phát thuốc điều trị.
Do đã có nhiều lần khám bệnh tại đây nên anh Trường vô cùng tin tưởng vào chất lượng điều trị của trạm y tế. “Ngay cả xét nghiệm cũng có thể làm tại trạm, thuốc men được cấp phát đầy đủ, Bảo hiểm y tế được thanh toán thì sao phải đi lên bệnh viện tuyến trên làm gì cho cực khổ”, anh Lê Lâm Trường cho hay.
Bác sỹ Lương Văn Sinh, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú cho biết, không chỉ những người dân đang điều trị tại bệnh viện quận chịu chuyển về trạm, điều đáng mừng là có những người đăng ký Bảo hiểm y tế ở các bệnh viện tuyến Thành phố như Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Thống Nhất cũng thay đổi thói quen mà tìm đến trạm y tế.
Trạm y tế “một điểm dừng”
Cùng với chủ trương xây dựng, phát triển các trạm y tế xã hội hóa, phòng khám đa khoa vệ tinh đặt tại trạm y tế, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang thí điểm 24 trạm y tế phường, xã tại 24 quận, huyện theo nguyên lý y học gia đình. Riêng trong lĩnh vực khám chữa bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Tăng Chí Thượng cho biết, các trạm y tế sẽ vận hành theo mô hình “một điểm dừng”. Điều này có nghĩa rằng khi người dân đến trạm y tế, họ sẽ được khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế theo phác đồ quy định, lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên của trạm y tế sẽ chuyển mẫu xét nghiệm lên tuyến trên và trả kết quả ngay tại trạm.
Ngoài ra, các trạm y tế cũng sẽ thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho một số đối tượng đặc biệt, chuyển gửi bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên, cung ứng đầy đủ thuốc điều trị theo mô hình bệnh tật và theo gói dịch vụ y tế cơ bản. Một điểm mới mà các trạm y tế sẽ thực hiện khi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân trên địa bàn từ khi sinh ra cho đến lúc qua đời.
“Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc đột phá, thay đổi bộ mặt của các trạm y tế. Trong tương lai, chúng ta cần nâng cao chất lượng của các trạm y tế để mỗi khi người dân có vấn đề sức khỏe, họ sẽ tới trạm y tế thay vì tập trung lên các bệnh viện tuyến trên như hiện nay”, ông Tăng Chí Thượng mong mỏi.