Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm như những mảng màu đối lập trong bức tranh của ngành Y tế Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự đối lập này lại càng thể hiện một cách rõ nét hơn khi người dân vẫn chưa tin tưởng vào hệ thống y tế cơ sở.
Người bệnh ồ ạt lên tuyến trên
Nằm ngay trong khu vực trung tâm đầu não của Quận 8 với những khu dân cư đông đúc, sầm uất, tuy nhiên bao lâu nay, Trạm Y tế Phường 5 vẫn chỉ chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, chương trình dân số – kế hoạch hóa gia đình… Bác sỹ Đỗ Thị Bưởi, Trạm trưởng Trạm Y tế Phường 5 cho biết, thỉnh thoảng, một vài người dân đến trạm để cắt chỉ, rửa vết thương, thay băng, đăng ký tiêm chủng dịch vụ… hoàn toàn không đề nghị khám chữa bệnh. Mặc dù mới được tăng cường thêm một bác sỹ, nhưng việc khám chữa bệnh vẫn gần như con số 0 bởi không có người bệnh.
Lý giải về việc vì sao không đến trạm y tế khám bệnh, bà Lê Thị Minh Nguyệt, một người dân sinh sống trên địa bàn Phường 5, Quận 8, cho rằng trạm y tế phường không có bác sỹ chuyên khoa, không có trang thiết bị cần thiết để có thể khám bệnh. Tương tự, chị Vũ Thanh Thảo, ngụ Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, lại bày tỏ quan điểm không yên tâm khi giao sức khỏe, tính mạng cho trạm y tế bởi những cơ sở này không đủ năng lực để khám chữa bệnh.
Thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Thành phố có 319 trạm y tế nhưng tổng số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế này chỉ chiếm từ 3-4% so với tổng lượt khám của toàn Thành phố. Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi ngày, một trạm y tế phường, xã chỉ tiếp nhận khoảng từ 5-10 bệnh nhân, thậm chí có những trạm không có một bệnh nhân nào đến đăng ký khám chữa bệnh. Càng ở trung tâm Thành phố, số lượng người dân đến trạm y tế càng ít do khu vực này tập trung quá nhiều bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. “Người dân chưa có niềm tin vào các trạm y tế là nguyên nhân khiến các trạm y tế xã, phường vẫn “ế ẩm” bao lâu nay”, ông Tăng Chí Thượng thừa nhận.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện mới chỉ có 151/319 trạm y tế trên địa bàn ký được hợp đồng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế với đơn vị này. Tuy nhiên, trong số 151 trạm đã ký hợp đồng Bảo hiểm y tế vẫn còn khoảng 70 trạm có rất ít hoặc không có bệnh nhân. Đặc biệt, kể từ thời điểm thông tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, người dân ồ ạt kéo lên tuyến trên, không còn tìm đến trạm y tế để khám chữa bệnh.
Tìm cách "chống ế" cho trạm y tế
Nói về vai trò của y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, đây chính là nền tảng của hệ thống y tế bên cạnh các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa. Nếu làm tốt, y tế cơ sở sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của người dân. Song người lãnh đạo cao nhất của ngành y tế cũng thừa nhận, người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì vấn đề chất lượng khám chữa bệnh, cán bộ y tế, danh mục thuốc, kỹ thuật… tại tuyến này còn ít. Điều này chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân vượt lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện, tăng chi phí, mất thời gian... Hiện chỉ có khoảng 18% bệnh nhân trên cả nước chọn tuyến y tế cơ sở.
Mới đây, ngành Y tế đã có những giải pháp thay đổi diện mạo, chất lượng của các trạm y tế nhằm thu hút sự chú ý của người dân. Cụ thể, Bộ Y tế đã đề ra chủ trương phát triển các trạm y tế kiểu mẫu trên toàn quốc theo nguyên lý y học gia đình. Đã có 26 trạm y tế kiểu mẫu được lựa chọn để làm thí điểm. Về chức năng, các trạm y tế khi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình phải tổ chức triển khai hiệu quả 3 nhóm hoạt động chính, gồm dự phòng; khám, chữa bệnh và quản lý sức khỏe người dân.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện phải chuyển bệnh nhân mắc các bệnh lý thông thường và bệnh mạn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, đau xương khớp… về cho các trạm y tế quản lý. “Chúng ta quá thuận lợi khi có hệ thống trạm y tế xã, phường phủ rộng khắp cả nước nhưng chưa tận dụng được nguồn lực này, gây ra tình trạng lãng phí trong khi các bệnh viện tuyến trên ngày càng quá tải. Do đó, đây là thời điểm chúng ta phải phát triển y tế cơ sở, kéo người dân về các trạm y tế nhằm tạo nên bước ngoặt lớn của ngành Y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Đề xuất giải pháp “chống ế” cho các trạm y tế, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến, bên cạnh việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các trạm y tế vẫn cần những “ràng buộc” nhất định trong quy định khám chữa bệnh. Cụ thể, Bộ Y tế nên có các quy định loại bệnh nào buộc phải khám ở trạm y tế; loại bệnh nào được khám bệnh viện tuyến quận, huyện; bệnh nào được phép lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương…
“Tâm lý chung của người dân khi có bệnh là đến bệnh viện chứ không phải đến trạm y tế, do đó chúng ta cần phải bổ sung các quy định không trái pháp luật để phá vỡ “boong ke” này”, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Bài 2: Những mô hình 'giải cứu' trạm y tế hiệu quả