Bác sĩ Lê Thanh Tùng, Trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch - Bệnh viện Bình Chánh báo cáo, sau một thời gian chuẩn bị, trong đó, có trang bị máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA, với sự hỗ trợ chuyên môn của Viện Tim TP Hồ Chí Minh, tháng 8/2022, Bệnh viện Bình Chánh đã thực hiện can thiệp mạch vành lần đầu tiên. Cột mốc này đánh dấu kỹ thuật chuyên sâu can thiệp tim mạch được triển khai về tuyến y tế cơ sở khu vực phía Tây của TP Hồ Chí Minh. Đến tháng 12/2022, Bệnh viện Bình Chánh thực hiện ca đặt máy tạo nhịp tim đầu tiên cho bệnh nhân mắc bệnh rối loạn nhịp tim. Từ đó đến nay, việc can thiệp mạch vành, đặt stent thông tim, đặt máy tạo nhịp được triển khai hàng tuần tại bệnh viện tuyến huyện này và đã có 69 trường hợp can thiệp thành công.
Điển hình trường hợp can thiệp mạch vành cấp cứu và đặt máy tạo nhịp tạm thời trong buồng tim cho một bệnh nhân nam 38 tuổi bị hội chứng vành cấp biến chứng rối loạn nhịp gây sốc tim. Trước đó, bệnh nhân này bị ngất và được đưa đến Bệnh viện huyện Bình Chánh trong tình trạng huyết áp khó đo, tiếp xúc chậm. Sau khi cấp cứu nội khoa, bệnh nhân được chuyển vào phòng can thiệp. Do bệnh nhân có rối loạn nhịp chậm khi vào Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tạm thời trong buồng tim qua đường tĩnh mạch đùi phải. Sau đó bệnh nhân được can thiệp đặt một stent phủ thuốc vào động mạch vành phải đoạn gần giữa. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, huyết động ổn định và được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Bác sĩ Lê Thanh Tùng đánh giá, nhờ Bệnh viện Bình Chánh có thể thực hiện can thiệp tim mạch nên nam bệnh nhân này đã được can thiệp, điều trị kịp thời mà không phải chuyển lên tuyến trên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình chuyển viện.
Việc các bệnh viện tuyến dưới có thể triển khai kỹ thuật chuyên sâu giúp đảm bảo thời gian vàng trong cấp cứu cho người bệnh, tránh chuyển lên tuyến trên gây nên những hậu quả nguy hiểm cho người bệnh, bác sĩ Lê Thanh Tùng nhìn nhận.
Song song với triển khai kỹ thuật chuyên sâu, Thạc sĩ, bác sĩ Võ Ngọc Cường, Giám đốc Bệnh viện Bình Chánh cho biết, Bệnh viện đã nỗ lực đưa bác sĩ về ngày càng gần hơn với người dân bằng việc thành lập Phòng khám Đa khoa vệ tinh tại Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc B. Tại phòng khám vệ tinh này, Bệnh viện Bình Chánh cử các bác sĩ giỏi thuộc chuyên khoa Nội tổng hợp, Ngoại tổng hợp, Y học cổ truyền và trang thiết bị phục vụ siêu âm, xét nghiệm. Chỉ sau 5 tháng hoạt động, người dân tìm đến phòng khám ngày càng tăng. Nếu như trước đây, Trạm Y tế Vĩnh Lộc B chỉ có từ 80 - 110 lượt khám/tháng, từ khi Phòng khám Đa khoa vệ tinh Vĩnh Lộc B ra đời, số bệnh nhân đã tăng lên từ 500 - 1.100 lượt khám/tháng.
Đây là tín hiệu đáng mừng chứng minh người dân bắt đầu tin tưởng vào tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, để đáp ứng kỳ vọng chúng ta vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong việc trang bị thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chất lượng, mở rộng thêm dịch vụ phục vụ người bệnh. Đặc biệt là các chính sách về thông tuyến bảo hiểm y tế, bác sĩ Võ Ngọc Cường chia sẻ.
Hội nghị Khoa học kỹ thuật Bệnh viện huyện Bình Chánh lần thứ 1 - năm 2023 với sự tham gia của báo cáo viên đến từ nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Hội nghị là nơi trao đổi kinh nghiệm, giao lưu thông tin khoa học, cập nhật cải tiến mới trong điều trị, nhất là lĩnh vực tim - mạch máu và phục hồi chức năng. Dịp này, Bệnh viện huyện Bình Chánh đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh, trở thành cơ sở thực hành trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế.