Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm 'tấn công' trong mùa Đông - Xuân

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường hoạt động phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân.

Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, điều kiện khí hậu mùa Đông - Xuân rất thuận lợi để các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A(H7N9), (H5N1), tiêu chảy do vi rút Rota.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế Dự phòng Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao thời những năm qua. UBND các cấp triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như cúm A(H7N9), A(H5N1) và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Đối với các dịch bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, các địa phương khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng. Bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên, cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng sởi, rubella, ho gà cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Sở Y tế các địa phương triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tập trung triển khai công tác tiêm chủng. Đồng thời, các địa phương tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; chủ động phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thường xuyên làm vệ sinh môi trường tại trường học.

Mặt khác, các đơn vị liên quan cần phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch, thông báo kịp thời cho ngành y tế để phối hợp các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.

Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở đẩy mạnh truyền thông về phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân. Công tác tuyên truyền cần tập trung vào hiệu quả, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh để người dân hiểu, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Mặt khác, các đơn vị chức năng cần hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở Tài chính kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu đáp ứng phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, cơ số thuốc, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Việt Hà (TTXVN)
Chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ
Chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ

Nguy cơ ô nhiễm môi trường sau mưa, lũ rất cao do các loại bùn đất, rác thải, xác động vật trôi nổi mang theo mầm bệnh gây ra; nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên động vật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN