Tại huyện Chương Mỹ, nhiều khu vực đang trong tình trạng ngập lụt. Tại các vùng bị ngập, nguy cơ bùng phát dịch bệnh thường gặp sau khi mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, bệnh về tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ)… rất cao.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại vùng ngập úng đang ở mức cao. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN |
Để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, Sở Y tế Hà Nội tăng cường đáp ứng y tế và thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại những khu vực bị ngập. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối với Trung tâm Y tế hai huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, trạm y tế các xã hướng dẫn người dân cách sử dụng Cloramin B, phèn chua để xử lý nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền cho người dân vùng ngập úng biết cách phòng tránh các dịch bệnh. Các đơn vị sẵn sàng phương án để nước rút đến đâu, hỗ trợ người dân xử lý môi trường ngay đến đó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện nay bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đã giảm; 91,4% ổ bệnh sốt xuất huyết được khống chế. Hiện toàn thành phố còn 384 ổ bệnh đang hoạt động…
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 30.344 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Hiện 95,7% số bệnh nhân đã khỏi, còn trên 1.200 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Để công tác phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị và người dân tiếp tục đẩy mạnh biện pháp phòng bệnh như vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi...
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 116 trường hợp mắc tay chân miệng, 8 trường hợp mắc sốt phát ban dạng sởi. Từ đầu năm 2017 đến nay, tại Hà Nội có 14 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó 3 trường hợp tử vong.