Nguy cơ hiện hữu
Vừa qua, cả nước phải dồn sức, nỗ lực rất lớn mới có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại các “điểm nóng” Bắc Ninh, Bắc Giang khi dịch COVID-19 xâm nhập vào khu công nghiệp. Đây cũng là bài học cho nhiều tỉnh, thành phố để luôn cảnh giác cao độ. Đặc biệt hiện nay, dịch đang xuất hiện, diễn biến phức tạp tại một số tỉnh khu vực phía Nam, là “thủ phủ” của các khu công nghiệp như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… với số lượng lớn công nhân và người từ nơi khác đến.
Đơn cử như tại Bình Dương, từ sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên (ngày 12/6) là BN10584 người bán trà sữa tại phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một, số ca bệnh tăng nhanh, những ngày gần đây đã lên tới hàng chục ca bệnh/ngày; tỉnh Đồng Nai cũng đã ghi nhận ca mắc xâm nhập từ ngoại tỉnh vào.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá: “Hiện nay các tỉnh, thành phố cần hết sức cảnh giác với nguy cơ dịch xâm nhập vào khu công nghiệp. Hiện đang có sự đi lại đan xen giữa các tỉnh, thành với nhau, như người từ TP. Hồ Chí Minh đi làm ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An… và ngược lại; giữa người từ các khu công nghiệp về cộng đồng và ngược lại, rất dễ làm cho dịch lây lan nhanh, rộng, phức tạp hơn. Đặc biệt, riêng tỉnh Bình Dương là nơi có số lượng khu công nghiệp rất lớn, mật độ công nhân đông đúc, cần phải lưu ý đến đối tượng là công nhân cư trú bên ngoài địa bàn tỉnh”.
Theo đó, các địa phương này cần theo dõi thật sát tình hình dịch, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tuyệt đối không được để virus lây lan trong khu công nghiệp, nếu không sẽ rất nguy hiểm."Nếu chúng ta không ngăn chặn được sự lây nhiễm của virus thì Bình Dương hoàn toàn có thể trở thành điểm nóng tiếp theo"- PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn rất phức tạp. "Cần nhanh chóng khống chế, tránh để “những đốm lửa nhỏ” trở thành những “đám cháy lớn”. Nếu khống chế tốt, xuất hiện ổ dịch nào, chúng ta tiến hành dập ổ dịch đó; nơi nào không có dịch thì vẫn phát triển kinh tế để duy trì chống dịch, “chống dịch để làm kinh tế và làm kinh tế để chống dịch”.
Nâng cao cảnh giác, xét nghiệm diện rộng
Trước nguy cơ dịch xâm nhập vào các khu công nghiệp, Bộ Y tế đang tích cực giám sát công tác phòng chống dịch tại các tỉnh phía Nam có nhiều khu công nghiệp như: Bình Dương, Đồng Nai. Qua khảo sát cho thấy, Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, với 1,2 triệu công nhân, người lao động trên địa bàn. Các ca bệnh COVID-19 mới ghi nhận những ngày gần đây chủ yếu trong khu phong toả và được cách ly từ trước, liên quan đến các công ty, cơ sở sản xuất như: Công ty Việt Nam House Wares, Chi nhánh xí nghiệp Xử lý chất thải Bình Dương – Biwase… Tỉnh đã ghi nhận các ca mắc tại các công ty, cơ sở sản xuất, rải rác ở các địa bàn như: Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên. Hầu hết các chuỗi lây nhiễm này đều liên quan chủ yếu đến các ổ dịch tại TP. Hồ Chí Minh với biến chủng virus Delta. Ngay từ đầu đợt dịch bệnh thứ 4, Bình Dương đã tăng cường các test nhanh, phát hiện được các trường hợp mắc tại các bệnh viện, trong các công ty, xí nghiệp… Bình Dương cũng đang tích cực triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh…
Còn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng có tới 1,2 triệu công nhân, khoảng 600.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp; tỉnh lại giáp ranh, có nhiều mối giao thương cùng các tỉnh, thành trong khu vực như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… Để nâng cao phòng chống dịch, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nhiều công ty cũng đã thực hiện cho công nhân lưu trú tại công ty để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đảm bảo sản xuất.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng: Nếu dịch COVID-19 chưa xâm nhập và lây lan vào khu công nghiệp, các tỉnh khoanh vùng được các ổ dịch ngoài cộng đồng sớm, tình hình có thể sẽ được kiểm soát. Với các tỉnh có nguy cơ như trên, tất cả các tổ dân phố, thôn xóm của phường, xã phải nắm bắt được những người lao động làm việc ở TP Hồ Chí Minh về cũng như đang làm việc ở trong nhà máy, xí nghiệp đang ở tại địa phương mình thông qua các”kênh” giám sát như: Tổ trưởng, trưởng thôn, Tổ COVID-19 cộng đồng… Những người này phải được áp dụng các biện pháp phòng bệnh một cách nghiêm ngặt như các F1.
Theo đó, tương tự như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh… riêng với tỉnh Bình Dương, cần nhanh chóng xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm cho công nhân trên địa bàn theo mức độ nguy cơ như: Chọn nhà máy có nguy cơ cao, trong nhà máy chọn phân xưởng… để xét nghiệm nhằm đánh giá mức độ lây lan của virus trong khu công nghiệp, đồng thời kết hợp các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt tại các khu vực này. Bên cạnh đó, trong cộng đồng cũng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khoanh vùng, truy vết và phòng dịch bởi sự đan xen giữa công nhân từ nhà máy và người dân trong cộng đồng có thể trở thành mối nguy lớn.
Để tăng cường kiểm soát dịch bệnh trong các khu công nghiệp, Bộ Y tế cũng đã tổ chức tập huấn cho các tổ kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn trong cơ sở sản xuất, khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và 20 tỉnh thành phía Nam (từ Ninh Thuận trở vào). Việc tập huấn và triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn trong cơ sở sản xuất, các địa phương sẽ chủ động hơn trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vừa chống dịch vừa an toàn sản xuất.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng sẽ kiến nghị tăng cường phân bổ vaccine COVID-19, tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn đối với cho các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An…