Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy vi rút SARS-CoV-2 lây qua đường ăn uống hay thực phẩm. Tuy nhiên, vi rút này có thể lây qua tiếp xúc bề mặt của các vật dụng như: Thìa, đĩa, cốc, chén, mặt bàn… khi người dân đi ăn uống ở các cửa hàng bên ngoài.
Để tránh nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh qua các vật dụng trên, khi đi ăn ở các quán ăn bên ngoài, người dân nên chú ý thực hiện các biện pháp vệ sinh như: Lau chùi bề mặt bàn ăn bằng dung dịch sát khuẩn, rửa tay dưới vòi nước với xà phòng hoặc bằng cồn trước khi ăn; mỗi người cần có ý thức giữ đúng khoảng cách 2 mét với người đối diện để tránh nguy cơ tiếp xúc trực tiếp…
Đặc biệt, người dân cũng cần tránh thói quen vừa ăn vừa nói chuyện, làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh ra xung quanh, nhất là khi khi dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng và nên thực hiện ăn chín uống sôi.
Bên cạnh đó, tại các cửa hàng bán đồ ăn, người bán hàng phải đeo găng tay, khẩu trang đúng cách, mang mũ che giọt bắn… Thực phẩm sử dụng chế biến món ăn cũng phải đảm bảo vệ sinh và tuân thủ đúng theo quy định về an toàn thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng lưu ý, người dân nếu dùng tiền mặt để mua bán, trao đổi, nên cho tiền vào một túi riêng. Sau khi về nhà, nên rửa tay bằng xà phòng để tránh lây nhiễm mầm bệnh.