Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2:

Người cán bộ quân y được dân bản yêu mến

Trên rẻo cao biên giới Lào Cai, những chiến sỹ biên phòng luôn có sự gắn bó mật thiết với người dân các dân tộc địa phương.

Chú thích ảnh
Cán bộ quân y Nguyễn Đức Tám hướng dẫn bà con rửa tay sát khuẩn phòng, chống COVID-19. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN

Với phương châm "đồn là nhà, bà con dân tộc địa phương là anh em ruột thịt", Trung tá Nguyễn Đức Tám, cán bộ quân y của Đồn Biên phòng Si Ma Cai -Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai luôn chăm sóc, giúp đỡ cho người dân địa phương như người thân của mình.

Trung tá Nguyễn Đức Tám được Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Si Ma Cai giao phụ trách Phòng khám dân quân y kết hợp đặt tại thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải, cách đồn Biên phòng gần 20km. Tốt nghiệp Trung cấp Y năm 1994 và nhận công tác tại Đồn Biên phòng Si Ma Cai năm 2000, trong hơn 20 công tác, anh không ngại vất vả, khó khăn, vượt qua những đoạn đường hiểm trở xa xôi để đến thăm khám cho người dân địa phương. Suốt thời gian về nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Si Ma Cai, Trung tá Nguyễn Đức Tám luôn nỗ lực vượt khó, bất kể ngày hay đêm, anh đều kịp thời có mặt để cứu người, phát thuốc miễn phí cho người dân mỗi khi trong bản có người bị đau ốm. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, là một người lính biên phòng, anh Tám luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Hiện tại, nhiệm vụ của anh không chỉ dừng lại ở việc khám chữa bệnh cho nhân dân mà còn phải luôn túc trực ở chốt chống dịch COVID-19.

Anh Tám tâm sự, khi được điều động nhận công tác tại Đồn Biên phòng Si Ma Cai, tôi thường xuyên bám địa bàn cùng với các anh em ở đội vận động. Khó khăn nhất khi mới về công tác là nhận thức của người dân địa phương hạn chế, khu vực dân cư phân bố rộng, giao thông đi lại khó khăn, thành phần dân tộc đa dạng nên phong tục, tập quán sinh hoạt khác nhau, gây nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh.

Đặc biệt, người dân còn mê tín những thủ tục lạc hậu, ốm đau thì chỉ biết đón thầy mo, thầy cúng về cúng bái. Phải mất rất nhiều thời gian với nhiều phương thức tuyên truyền, dần dần bà con mới hiểu khi mắc bệnh phải dùng đến thuốc, không thể cúng bái mà khỏi được. Từ khi nhận thức thay đổi, người dân địa phương khi ốm đau đã đến trạm y tế xã khám hoặc nhờ cán bộ quân y biên phòng thăm khám, cho uống khi có vấn đề về sức khỏe.

Để chồng yên tâm công tác nơi biên giới, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Liễu, vợ của Trung tá Nguyễn Đức Tám đã tình nguyện cùng chồng lên biên giới xây dựng cuộc sống mới tại mảnh đất biên giới Si Ma Cai từ năm 2001. Ngôi nhà nhỏ nằm ven thị trấn Si Ma Cai là nơi gia đình anh Tám chị Liễu cùng 2 con sinh sống. Hiểu và thông cảm cho công việc của chồng, một mình chị ở nhà vun vén việc nhà và chăm sóc con cái, là hậu phương vững chắc để anh yên tâm làm nhiệm vụ.

Nói về chồng mình, chị Liễu chia sẻ: Có những hôm anh Tám về  thăm nhà được 5 -10 phút thì có điện thoại, anh lại vội vàng đi. Em hỏi là có việc gì mà vội vàng thế thì anh có nói là ở địa phương có người bị ốm không thể đến được trạm y tế nên anh phải đi ngay để kiểm tra xem thế nào. Những lúc như vậy, em lại động viên anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ sớm để về với gia đình. Là một người vợ bộ đội, bản thân em đã xác định tâm lý phải chịu thiệt thòi, hy sinh để chồng hoàn thành nhiệm vụ.

Chú thích ảnh
Trung tá Nguyễn Đức Tám khám bệnh cho dân bản. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN

Ðến với mảnh đất biên giới Si Ma Cai, ở nơi đâu chúng tôi cũng nghe được những câu chuyện cảm động về tình quân dân, về sự gắn bó mật thiết của đồng bào các dân tộc nơi biên giới với các chiến sĩ Biên phòng. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, việc chăm lo sức khỏe cho đồng bào các dân tộc là một trong những hoạt động được Đồn Biên phòng Si Ma Cai ưu tiên nhất. Theo Trung tá Nguyễn Đức Tám, người dân khỏe cũng góp phần quan trọng trong việc giúp bộ đội bảo vệ vững chắc dải đất biên cương, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Anh Tào Seo Hồ người thôn Lù Dì Sán, xã Sán Chải huyện Si Ma Cai nhớ lại, cách đây gần 20 năm có lần đi làm nương bị ngã xuống vách đá, bị thương ở chân, được cán bộ quân y Nguyễn Đức Tám và tổ công tác biên phòng tại thôn Lù cho thuốc giúp đỡ băng bó vết thương. Sau khi được anh Tám điều trị một thời gian, chân đã bình phục nên anh Hồ rất biết ơn các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Si Ma Cai cũng như người cán bộ quân y Nguyễn Đức Tám.

Theo Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) Lý Seo Vảng, những năm qua, Đồn Biên phòng Si Ma Cai thực hiện rất tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân tại những địa bàn biên giới. Trong đó nổi bật nhất là cán bộ quân y Nguyễn Đức Tám đã giành được nhiều tình cảm yêu mến của đồng bào các dân tộc địa phương khi thường xuyên có sự giúp đỡ người dân khi đau ốm. Đặc biệt, với nhiệm vụ là một cán quân y, Trung tá Nguyễn Đức Tám đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là chốt chặn đầu tiên phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến đầu biên giới Si Ma Cai.

Thiếu tá Tạ Bình Nguyên - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Si Ma Cai chia sẻ, với tinh thần hết lòng vì người bệnh, không quản ngại khó khăn, những việc làm của anh Nguyễn Đức Tám luôn được nhân dân và đồng đội yêu mến, tin tưởng. Bằng trái tim của người thầy thuốc và tinh thần của người lính quân hàm xanh, cán bộ quân y Nguyễn Đức Tám đã góp phần làm gắn bó chặt chẽ hơn tình cảm quân dân nơi địa đầu Tổ quốc.

Hồng Ninh - Thành Long (TTXVN)
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Tận tụy vì sự an toàn của người dân
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Tận tụy vì sự an toàn của người dân

Với tâm niệm "Sức khỏe và sự an toàn của người dân là trên hết", Thầy thuốc Nhân dân Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai luôn lấy đó làm động lực, mục tiêu phấn đấu và là trách nhiệm lớn nhất của người đứng đầu ngành Y tế Đồng Nai. Với quá trình nỗ lực, cống hiến, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN