Nâng cao chất lượng điều trị các bệnh về máu

Hiện Việt Nam đã thực hiện được đa phần các kỹ thuật mới nhất trong điều trị các bệnh về máu mà các nước tiên tiến đang áp dụng.

Chú thích ảnh
Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc.

Chia sẻ về những tiến bộ trong điều trị các bệnh về máu hiện nay, tại Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc diễn ra ngày 24/11, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Hiện ngành Huyết học - Truyền máu đã có những bước tiến rất nhanh, thực hiện được đa phần các kỹ thuật mới nhất mà các nước tiên tiến đang triển khai như: Điều trị nhắm đích bằng các loại thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, một số bệnh phổ thông nhưng khó chữa và lan rộng trong cộng đồng như: Tan máu bẩm sinh, bệnh ưa chảy máu… cũng đã có những chương trình rất hiệu quả để phòng ngừa sự lan rộng trong cộng đồng; đặc biệt là điều trị tốt hơn rất nhiều để nâng chất lượng cuộc sống cho người bệnh”.

Đặc biệt, kỹ thuật tế bào gốc là công nghệ rất mới, đã được áp dụng thành công trong huyết học những năm gần đây. Ghép tế bào gốc tạo máu giúp chữa khỏi, chữa ổn định lâu dài, nhiều bệnh lý huyết học lành tính và ác tính về huyết học. Tế bào gốc cũng được áp dụng trong các lĩnh vực khác như y học tái tạo giúp bệnh nhân phục hồi sau những tổn thương tại các cơ quan trên cơ thể.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, thời gian tới, ngành Huyết học - Truyền máu sẽ tiếp tục tập trung vào những kỹ thuật mới nhất mà khu và trên thế giới đang phát triển như: Ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, các lĩnh vực liên quan đến điều trị tế bào, cải thiện một cách triệt để tiên lượng sống và nâng cao chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể khỏi bệnh trong một số trường hợp.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đánh giá: Hiện chuyên khoa Huyết học – Truyền máu của Việt Nam đã có một số lĩnh vực thể hiện được tầm quan trọng cũng như sự phát triển vượt bậc, mang lại giá trị và hiệu quả của công tác điều trị cho người bệnh. Hệ thống máy móc trang thiết bị đã được trang bị hiện đại, sánh ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã triển khai thực hiện thành công phương pháp ghép tế bào gốc, chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho nhiều bệnh viện tại các tỉnh, thành phố, áp dụng nhiều phương pháp điều trị hiện đại trong điều trị nhắm đích; khảo sát dịch tễ về bệnh tan máu bẩm sinh trên toàn quốc thành công; đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gen ở bệnh ung thư máu, Thalassemia, Hemophilia… góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền.

Về lĩnh vực truyền máu, thời gian qua ngành Huyết học - Truyền máu đã đảm bảo được nguồn máu an toàn, chất lượng cho công tác điều trị người bệnh. Đặc biệt, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã rất chủ động, tích cực và sáng tạo trong xây dựng nguồn người hiến máu, điều tiết máu và sử dụng máu an toàn trên phạm vi toàn quốc. Nhờ đó, chúng ta đã không bị rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn người hiến máu, ngay cả trong thời kỳ giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID- 19 lan rộng vừa qua.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Hội nghị truyền máu - ghép tủy xương và tế bào gốc tạo máu Việt - Pháp
Hội nghị truyền máu - ghép tủy xương và tế bào gốc tạo máu Việt - Pháp

Trong 2 ngày 21 và 22/10, tại thành phố Quy Nhơn, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trường Đại học C.H.U Grenoble, Trung tâm Truyền máu Grenoble (Pháp) tổ chức Hội nghị truyền máu - ghép tủy xương và tế bào gốc tạo máu Việt - Pháp năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN