Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y khoa ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng điều trị

Trình độ chẩn đoán hình ảnh y khoa của Việt Nam ngày càng phát triển, giúp chẩn đoán bệnh tốt hơn, nâng cao chất lượng điều trị.

Chú thích ảnh
Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 23 của Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam.

Tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 23 và Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam tổ chức ngày 19/8, GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam đánh giá: “Ngành Điện quang và Y học hạt nhân của Việt Nam từ xuất phát điểm chỉ có kỹ thuật X-quang, đến nay đã phát triển cả kỹ thuật siêu âm, CT, cộng hưởng từ….; rất nhiều các kỹ thuật điện quang can thiệp đã triển khai. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh cũng được đào tạo bài bản ở trong nước và ở các nước tiên tiến như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... Hiện, trình độ chung của bác sĩ điện quang (hay bác sĩ chẩn đoán hình ảnh) đã cao hơn rất nhiều nhờ được cập nhật chuyên môn liên tục, có trang thiết bị máy móc hiện đại, được chuyển giao kỹ thuật… Nhờ đó, chúng ta đã có thể đuổi kịp được các nước phát triển, tiệm cận được ngang hàng với các nước trên thế giới”.

Cũng theo GS.TS Phạm Minh Thông, với trình độ ngày càng cao và trang thiết bị hiện đại đã giúp các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chẩn đoán được rất sâu tình trạng bệnh nhân. Đơn cử như: Bệnh ung thư vú có thể tầm soát được từ rất sớm; hay ung thư tuyến giáp cũng có thể chẩn đoán ngay từ khi chưa thấy dấu hiệu trên lâm sàng, từ đó có thể sử dụng các kỹ thuật chọc hút, sinh thiết… để phát hiện bệnh. Nhờ các kỹ thuật giúp chẩn đoán sớm bệnh, sẽ giúp người bệnh có thể được điều trị tốt, thậm chí nhiều trường hợp ung thư được chữa khỏi hoàn toàn. Hay như với các trường hợp xuất huyết não, đột quỵ; nếu trước kia việc chẩn đoán các bệnh này rất khó khăn thì hiện nay với kỹ thuật CT, cộng hưởng từ đã giúp bác sĩ có thể chẩn đoán rất nhanh, rất sớm để kịp thời can thiệp lấy huyết khối, cứu sống người bệnh, hạn chế tàn phế…

Theo đó, Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 23 của Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam có sự tham gia trực tiếp với các Giáo sư, bác sĩ cao cấp, chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và trong nước tham gia. Với gần 40 bài giảng, hơn 70 báo cáo khoa học tại hội nghị là cơ hội trao đổi thông tin khoa học quý giá phục vụ công tác chuyên môn cho các kỹ thuật viên, bác sĩ.

“Hàng năm, chúng tôi vẫn tổ chức các hội nghị khoa học để trao đổi chuyên môn; đặc biệt tại Hội nghị lần này, với sự tham gia của hơn 1.300 hội viên trên toàn quốc, kết hợp với việc trưng bày, triển lãm các trang thiết bị mới nhất… các bác sĩ, các kỹ thuật viên có thể cập nhật được các máy móc, kỹ thuật mới, kiến thức mới, phục công tác khám, chữa bệnh; người được hưởng các kỹ thuật tiên tiến này chính là người bệnh, người dân”, GS.TS Phạm Minh Thông cho biết.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
50 năm chiếc máy chụp CT đầu tiên cho bác sĩ nhìn thấu bên trong hộp sọ 
50 năm chiếc máy chụp CT đầu tiên cho bác sĩ nhìn thấu bên trong hộp sọ 

Hounsfield đã tạo ra được chiếc máy kỳ diệu, giải đáp được trăn trở của mình về khả năng “nhìn vào bên trong chiếc hộp kín mà không cần mở nó ra”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN