Điều này dẫn đến việc cần nâng cao chất lượng dân số để đáp ứng trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, việc tham gia tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là bước dự phòng cấp một trong việc nâng cao chất lượng dân số và là "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, đất nước.
Đây là lý do Bộ Y tế chọn nội dung "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước" là chủ đề của Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12).
Hướng đến nâng cao chất lượng dân số
Trong khuôn khổ Tháng hành động Quốc gia về dân số, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Hùng Vương đã phối hợp cùng với Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục, cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho 154 cặp đôi thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Những cặp đôi này có độ tuổi trung bình ở nam là 27 tuổi, nữ 26 tuổi, đây là độ tuổi được khoa học chứng minh là phù hợp, dễ sinh đẻ.
Phó giáo sư, Tiến sỹ , Bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết: Đáng chú ý, trong số 154 cặp đôi được khám sức khỏe cho thấy, có đến 150 nam giới (66%) có vấn đề về sức khỏe sinh sản. Đồng thời, có 21% nữ thiếu máu, 4,6% u xơ tử cung, 6,5% tiểu đường, 6,5% nhiễm viêm gan siêu vi B, 3,2% giảm dự trữ buồng trứng, 1,3% giảm u bì buồng trứng, 2,6% bị polyp lòng tử cung... Kết quả thăm khám tuy không phải đại diện cho toàn bộ thanh niên tại Thành phố Hồ Chí Minh song cũng là hồi chuông cảnh báo cho vấn đề khám tiền hôn nhân - Bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.
Theo nhiều chuyên gia, việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân được coi là hình thức sàng lọc đầu tiên vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có 22.000-30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Trong số các dị tật có các bệnh phổ biến: Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều thanh niên chưa thực sự quan tâm đến việc khám sức khỏe trước khi kết hôn. Bác sỹ chuyên khoa II Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng: Xu hướng khám tiền hôn nhân đã khá phổ biến nhưng vẫn còn một số các bạn còn thờ ơ, có quan điểm chủ quan về vấn đề này, bởi họ chưa thực sự thấy và hiểu những giá trị việc này. Với các bạn trẻ sắp bước vào cuộc sống hôn nhân cần truyền thông cho họ hiểu được lợi ích của việc khám tiền hôn nhân nói chung, sàng lọc các bệnh di truyền nói riêng.
Theo Bác sỹ Phạm Thúy Nga, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản nói riêng, còn cả thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai. Đây là những việc rất cần thiết, để giúp phòng ngừa, phát hiện, điều trị sớm nhiều căn bệnh di truyền, nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai con cái sau này. Khi đến với các chuyên gia, các bạn trẻ sẽ được kiểm tra, đánh giá sức khỏe tổng quát. Điều này chuẩn bị cho các bạn một thể trạng tốt nhất trước khi làm bố, làm mẹ. Nếu như các bạn gặp vấn đề về sức khỏe cũng có thời gian để điều trị đảm bảo có một thể trạng tốt nhất để chuẩn bị đón em bé chào đời. Bên cạnh đó, các bạn trẻ sẽ được kiểm tra sức khỏe sinh sản. Nếu như các bạn có những khiếm khuyết về mặt này cũng được các chuyên gia chẩn đoán, tư vấn, điều trị kịp thời, tránh tình trạng sau một thời gian dài không có thai sau kết hôn các bạn mới đi khám.
Đối với người còn trẻ, việc có thai muộn, có thể chưa là vấn đề nổi cộm nhưng với những người lập gia đình khi tuổi đã lớn thì điều này có thể tước đi cơ hội có con của họ. Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe sẽ giúp tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục; sàng lọc các bệnh di truyền. Nếu mắc những bệnh di truyền hoặc mang gen gây bệnh, các bạn trẻ sẽ được các chuyên gia tư vấn để tránh sinh ra những đứa con mắc bệnh di truyền, tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa việc nâng cao chất lượng dân số. Ngoài ra, các bạn sẽ được tư vấn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình đầy đủ để chủ động, bảo vệ sức khỏe; được tư vấn đầy đủ các vấn đề y học giới tính...
Sáu tháng trước hôn nhân là "thời điểm vàng" để các cặp đôi tiến hành khám tiền hôn nhân. Trường hợp không may phát hiện các dấu hiệu bất thường, 6 tháng là thời gian đủ để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị dứt điểm các vấn đề sức khỏe đang tồn tại. Ngoài ra, 6 tháng là hết "giai đoạn cửa sổ", nếu 1 trong 2 người hoặc cả 2 mắc bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B,…, hết "giai đoạn cửa sổ" này xét nghiệm sẽ phản ánh chính xác nhất - Bác sỹ Phạm Thúy Nga lưu ý.
Truyền thông để thay đổi nhận thức và hành vi
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến nhiều thanh niên chưa thực sự quan tâm đến việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Tân Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết: Còn rất nhiều bạn trẻ thiếu kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, cũng như thờ ơ với việc khám sức khỏe trước khi kết hôn. Trách nhiệm này trước hết thuộc về các bậc phụ huynh, sau nữa là thầy cô giáo và các cơ quan quản lý nhà nước, thể hiện ở 2 nhóm chính: việc thông tin, giáo dục, truyền thông và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/sức khoẻ tình dục thân thiện, an toàn.
Bác sỹ Nguyễn Tân Sơn nhận định: Hiện nay các bạn trẻ rất thiếu kiến thức về các vấn đề này và muốn có kiến thức các bạn trẻ phải được truyền thông, giáo dục, cung cấp thông tin trong và ngoài nhà trường. Tuy nhiên, chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong nhà trường đang được thực hiện thí điểm, chưa cập nhật với nội dung, phương pháp tiếp cận giáo dục giới tính và tình dục toàn diện theo hướng dẫn quốc tế; nội dung giáo dục này phụ thuộc vào sự tự nguyện của từng trường. Các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin, tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh biên ngoài nhà trường cũng đã được thực hiện nhưng còn rời rạc, phạm vi hẹp, thiếu tính đồng bộ.
Với nhóm hoạt động thứ hai, khi các bạn trẻ đã có kiến thức, sẵn sàng thực hiện các dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, các dịch vụ vẫn chưa thật sự thân thiện, toàn diện. Trong cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục nói chung, cơ sở y tế tư nhân có xu hướng được vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình lựa chọn nhiều hơn, tuy nhiên các cơ sở này lại chưa được tham gia vào đào tạo cập nhật, chưa được giám sát chất lượng dịch vụ thân thiện - Bác sỹ Nguyễn Tân Sơn chỉ rõ.
Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 có đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, 90% tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Bác sỹ Nguyễn Tân Sơn cho biết: Quyết định số 5914/QĐ-BYT ngày 29/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Đề án "Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021-2025" đã đặt ra 7 giải pháp. Cụ thể: đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi; nâng cao hiệu quả quản lý, năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; đảm bảo tài chính, đổi mới phương thức chi trả nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc; đảm bảo nguồn nhân lực chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế các tuyến; nâng cao tính sẵn có và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện cho vị thành niên, thanh niên...
Về phía ngành giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để góp phần trang bị cho vị thành niên, thanh niên biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, tránh mang thai ngoài ý muốn, cũng như tiến tới như chủ động đi khám sức khỏe tiền kết hôn, ngành Giáo dục đã và sẽ tiếp tục xây dựng, thiết kế hệ thống học liệu, sách giáo khoa có các nội dung lồng ghép giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục...; chú trọng đào tạo bồi dưỡng kỹ năng lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho đội ngũ giáo viên từ cấp học mầm non đến hết trung học phổ thông; đẩy mạnh thực hiện các chương trình giáo dục kỹ năng sống trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp và thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe học đường hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện phối hợp giữa nhà trường với gia đình và địa phương trong thực hiện công tác giáo dục nói chung, trong đó có các nội dung về giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục; bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục: góc/phòng tư vấn tâm lý; tư vấn, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho học sinh...