Tại buổi giám sát, Trưởng Phòng Y tế quận Hà Đông Lê Thị Thanh Bình cho biết, quận Hà Đông hiện có 130 cơ sở khám, chữa bệnh; 52 phòng chẩn trị y học cổ truyền và 336 nhà thuốc tư nhân, 1 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Hàng năm, UBND quận đều thành lập các đoàn kiểm tra hành nghề y dược tư nhân, qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý cơ sở vi phạm với tổng số phạt gần 200 triệu đồng/mỗi năm. Quận đình chỉ ngay hoạt động các cơ sở hành nghề không phép và có biện pháp giám sát việc thực hiện, đồng thời nêu tên công khai cơ sở vi phạm trên cổng thông tin điện tử của quận.
“Nhìn chung, công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân còn gặp khó khăn do số cơ sở biến động liên tục, cán bộ làm công tác quản lý còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn khác. Một số chế tài xử lý chưa sát với thực tiễn; việc chấp hành các quy định của pháp luật của một số cơ sở chưa tự giác…” bà Lê Thị Thanh Bình phản ánh.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa phân tích rõ hơn, qua kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân cho thấy, lĩnh vực này còn nhiều tồn tại, bất cập. Điều này phản ánh thực tế tại sao người dân vẫn muốn đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập hơn vì họ có niềm tin hơn là các phòng khám tư.
Trước đó, kết quả giám sát tại địa bàn quận Hai Bà Trưng và huyện Thạch Thất cũng cho thấy, lĩnh vực này còn nhiều tồn tại. Huyện Thạch Thất có 129 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Theo báo cáo của huyện, qua kiểm tra phát hiện vẫn còn một số cơ sở bán thuốc tân dược chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động. Một số cơ sở quảng cáo không đúng với khả năng chuyên môn; không mở sổ sách theo dõi hoạt động mua, bán thuốc và niêm yết giá thuốc không đầy đủ.
Quận Hai Bà Trưng có tới 714 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, trong đó 359 cơ sở khám chữa bệnh, 21 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 334 nhà thuốc, 127 cơ sở thẩm mỹ. Hằng năm, quận và các phường thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra phát hiện nhiều bất cập như: Hành nghề không phép, hành nghề không có chứng chỉ hành nghề, hành nghề quá phạm vi cho phép, chủ cơ sở vắng mặt khi cơ sở hoạt động, không xử lý rác thải y tế theo quy định, chưa niêm yết giá đầy đủ…
Đề cập đến trách nhiệm quản lý hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn, ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, thành viên Đoàn giám sát cho biết, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã xử lý rất nhiều ca bệnh nhân do hậu quả của phòng khám tư nhân.
“Thực tế thời gian qua, nhiều tai biến xảy ra từ các phòng khám tư. Điều này cho thấy cần phải phát huy hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trong quản lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, trong đó nêu cao trách nhiệm của phòng y tế, trạm y tế là đơn vị nắm chắc địa bàn, sâu sát nhất. Tại huyện Thạch Thất, vừa qua, Đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân đến kiểm tra tại hai nhà thuốc. Phát hiện thấy đoàn, cả hai nhà thuốc này đều vội vàng đóng cửa”, ông Nguyễn Đình Hưng nêu ví dụ.
Qua giám sát tại địa bàn quận Hà Đông, Đoàn đề nghị quận Hà Đông cần làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, qua đó thấy rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân. Trên cơ sở phân công, phân cấp, quận tiếp tục quy trình, quy chuẩn hóa, phân công trách nhiệm cho các phường, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát ráo riết, xử lý vi phạm quyết liệt hơn nữa.
Tại quận Hai Bà Trưng và huyện Thạch Thất, Đoàn giám sát đề nghị quận Hai Bà Trưng sớm thay đổi phương thức quản lý các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập; các sở, ngành rà soát quá trình cấp phép cho các cơ sở kinh doanh. Huyện Thạch Thất cần tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở hoạt động không phép theo quy định, đặc biệt là những cơ sở chủ yếu hoạt động ngoài giờ ở các thôn, xóm nhỏ lẻ không có biển hiệu. Bên cạnh đó, UBND huyện cần yêu cầu các cơ sở y tế công lập trên địa bàn quản lý việc khám, chữa bệnh ngoài giờ của nhân viên y tế; thường xuyên phổ biến các nhân viên ngành Y tế chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động hành nghề y, dược tư nhân.