Số ca mắc chưa có dấu hiệu chững lại
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (từ 11- 18/11), Hà Nội ghi nhận 1.378 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2,6% so với tuần trước), trong đó có 2 ca tử vong; thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện.
Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội; trong đó, một số quận, huyện có số ca mắc cao như: Hà Đông (128 ca), Thường Tín (123 ca), Thanh Oai (103 ca), Phú Xuyên (98 ca), Hoàng Mai (90 ca)...
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó, có 16 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ghi nhận ca tử vong).
Các tuýp virus Dengue đang lưu hành trên địa bàn bàn Hà Nội đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.
Sở Y tế Hà Nội dự báo, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong giai đoạn cao điểm của dịch, nguy cơ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.
Đáng lo ngại, trong khi số ca mắc mới sốt xuất huyết vẫn đang gia tăng tại Hà Nội, kết quả giám sát tại nhiều ổ dịch cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi vẫn cao vượt ngưỡng; nguy cơ muỗi mang mầm bệnh lây truyền ra cộng đồng rất cao.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết; đặc biệt, tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, khu vực nguy cơ cao, từ đó, triển khai những hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Tăng cường giám sát ca bệnh, ngăn chặn nguồn lây lan
Trước những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hệ thống tin nhắn thông điệp truyền thông về sốt xuất huyết đến các thuê bao di động của người dân; nhằm kêu gọi ý thức phòng dịch tới từng người dân.
Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhận định: Trong thời gian tới, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch là hết sức quan trọng. Tại một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến kéo dài, nguyên nhân là do công tác phát hiện bệnh nhân muộn, bỏ sót bệnh nhân, xử lý ổ dịch vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Các địa phương cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường tại khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch “làm đến đâu sạch đến đó” thì mới đạt hiệu quả cao. Lưu ý, trước khi phun hóa chất phải xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường trước thì việc phun hóa chất mới tăng hiệu quả diệt muỗi”.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, các địa phương của Hà Nội cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm bệnh nhân mắc tại cộng đồng, giám sát ổ dịch, giám sát véc tơ,… để có những biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bùng phát lây lan ra cộng đồng. Đối với các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường cần thực hiện một cách triệt để, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cần hướng dẫn, giám sát thường xuyên, liên tục các quận, huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các loại dịch bệnh khác.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tập trung nghiên cứu hệ thống phần mềm khai báo sốt xuất huyết để có thể tăng hiệu quả quản lý, phát hiện sớm bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại cộng đồng.
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện, sẵn sàng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; bảo đảm cung ứng thuốc, máu và chế phẩm của máu, trang thiết bị, nhân lực cho công tác cấp cứu, điều trị người bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt người bệnh đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ, ngày lễ để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo, chuyển độ điều trị kịp thời hoặc chuyển lên tuyến trên. Các đơn vị trước khi chuyển tuyến cho người bệnh phải liên hệ cơ sở tuyến trên và gửi kèm giấy tóm tắt điều trị theo quy định.
Sở Y tế Hà Nội cũng giao cho Bệnh viện đa khoa Đống Đa là đơn vị chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm tiếp tục tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue cho các cơ sở y tế trực thuộc.
Các trạm y tế cũng tham mưu cho UBND các xã, phường kiện toàn các tổ giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy; phát huy vai trò của các tổ giám sát, đội xung kích trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; đặc biệt là vai trò trong công tác giám sát người nghi mắc bệnh sớm tại cộng đồng, truyền thông phòng chống dịch và vận động người dân phối hợp, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết…