Ngày 23/12, bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho biết đã can thiệp, lấy huyết khối qua đường động mạch thành công cho bé N.H.K (3 tuổi, ngụ An Giang) bị đột quỵ nhồi mãu não, lơ mơ và liệt nửa người y như người lớn. Trước đó, bé K bị chẩn đoán nhầm là viêm màng não.
Trước đó, khi đang chơi, bé K đột ngột than đau đầu, nôn ói và yếu liệt dần. Người nhà tức tốc đưa bé đến khám tại bệnh viện địa phương trong tình trạng lơ mơ dần và được theo dõi viêm màng não. Tuy nhiên, khi bé K được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, sau khi làm xét nghiệm và chụp CT khẩn, các bác sĩ đã phát hiện bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối lấp kín, gây tắc mạch máu não, tiên lượng có khả năng tàn tật cao và nguy cơ đe dọa đến tính mạng.
Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh đã tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch dưới DSA, sau 2 giờ can thiệp, động mạch bị tắc của bé đã được tái thông hoàn toàn. Các bác sĩ cho biết, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam triển khai can thiệp lấy huyết khối qua đường động mạch thành công cho trẻ 3 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não. Hiện bé K đã tỉnh táo, đang dần hồi phục sức cơ nửa người bên phải, đi đứng bình thường, tự ăn uống được và sẽ xuất viện trong thời gian tới.
Bác sĩ Nguyễn Duy Khải, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, cho biết đột quỵ nhồi máu não rất thường gặp ở người lớn và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Để điều trị đột quỵ nhồi máu não, cần phải phát hiện bệnh lý sớm và cần được can thiệp kịp thời mới có khả năng cứu sống được bệnh nhân. Ở trẻ em, đột quỵ nhồi máu não gây nguy cơ tử vong rất cao, tuy nhiên bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác làm chậm trễ quá trình điều trị.
Theo thống kê, tỷ lệ tử vong ở trẻ bị đột quỵ là 10%, di chứng thần kinh vĩnh viễn 30 - 40%. Lứa tuổi thường gặp đột quỵ là 5 - 10 tuổi. Đối với nhóm trẻ trên 4 tuổi, triệu chứng đột quỵ giống như người lớn: khởi đầu bệnh nhi sẽ nhức đầu đột ngột, dữ dội, nôn ói, kèm thiếu sót thần kinh (yếu liệt nửa người, nói đớ, mỗi mắt chỉ nhìn thấy một nửa…). Trường hợp nặng, trẻ có thể bị rối loạn tri giác, thậm chí hôn mê sâu, giãn đồng tử, thoát vị não (não bị chảy sang vị trí khác).
Các bác sĩ khuyến cáo: Việc phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em là rất khó nên khi trẻ có những dấu hiệu đáng nghi ngờ, phụ huynh nên ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt sau này của trẻ.