Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhi T.T.V (sinh năm 2013, ngụ tại Sóc Trăng) nhập viện ngày 4/1 trong tình trạng mệt, khó thở, đặc biệt khi bé gắng sức. Kết quả chụp MSCT cho thấy, bé bị hẹp eo động mạch chủ.
Gia đình bệnh nhi cho biết, trước đó, bé đã được phẫu thuật thông liên thất, cột thắt ống động mạch tại một bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng mệt, khó thở của bé lại tái diễn theo chiều hướng gia tăng. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long khám và phát hiện bé bị hẹp eo động mạch chủ. Đây là tình trạng hẹp đoạn trên động mạch chủ xuống gần chỗ bám của dây chằng động mạch.
Thông thường, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc can thiệp nong hẹp eo tùy thuộc mức độ hẹp và độ tuổi bệnh nhân. Trong trường hợp này, bệnh nhi còn nhỏ tuổi, do vậy ê kíp các bác sĩ can thiệp đã chọn phương pháp xâm lấn tối thiểu nhất là nong hẹp eo động mạch chủ. Phương pháp này được ưu tiên vì tính hiệu quả và thời gian nằm viện ngắn, phục hồi nhanh. Trong phương pháp này, một bóng nong được đưa vào từ động mạch đùi đến đúng vị trí hẹp eo, bóng được bơm lên với áp suất thích hợp để mở rộng chỗ hẹp, giúp cho máu lưu thông qua chỗ hẹp dễ dàng.
Ngày 14/01, bệnh nhi đã được ê kíp của Khoa Can thiệp Nội mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tiến hành can thiệp qua da nong hẹp eo động mạch chủ. Quá trình can thiệp diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ. Sau can thiệp, ê kíp đã mở rộng được hoàn toàn chỗ hẹp, dòng chảy qua eo gần như trở về bình thường, không còn chênh áp qua chỗ hẹp, các chỉ số huyết động của bệnh nhi trở về ngưỡng an toàn. Bệnh nhi hồi phục sức khỏe tốt và được xuất viện ngày 24/1.
Bác sĩ Nguyễn Đình Đại Khánh, Phó Trưởng Khoa Can thiệp Nội mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, nong hẹp eo động mạch chủ bằng bóng nong là một kỹ thuật khó, đòi hỏi cơ sở y tế phải có đủ trang thiết bị và ê kíp phẫu thuật phải được đào tạo chuyên sâu. Ca can thiệp cho bệnh nhi T.T.V là ca nong bóng được thực hiện lần đầu tiên tại Cần Thơ.
Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất xuất phát trực tiếp từ tim. Từ động mạch chủ, các động mạch nhỏ hơn phân nhánh dẫn máu và oxi từ tim đi nuôi toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Nếu không được chữa trị kịp thời, hẹp eo động mạch chủ sẽ làm hạn chế dòng máu qua chỗ hẹp, dẫn đến thiếu máu nuôi cơ thể. Bệnh tiến triển, về lâu dài dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, phình và vỡ mạch não, suy tim, tăng áp lực động mạch phổi...
Bác sĩ Nguyễn Đình Đại Khánh lưu ý, những bệnh nhi bị hẹp eo động mạch chủ sẽ có những biểu hiện ra các triệu chứng rất sớm sau sinh, bao gồm: Tím tái, dễ kích thích, đổ mồ hôi nhiều, khó thở, thở nhanh, chậm lớn. Cha mẹ nếu thấy con có những triệu chứng trên cần đưa đi trung tâm y tế để được khám và điều trị sớm.
Đối với trẻ lớn và người trưởng thành, thường các triệu chứng kín đáo hơn vì tình trạng hẹp ít hơn, các dấu hiệu bao gồm: Tăng huyết áp, thường huyết áp cao ở chi trên, trong khi huyết áp chi dưới thấp; đau đầu, yếu cơ, đau ngực, chuột rút hay lạnh chân, chảy máu cam…