Ngày 8/5, bệnh nhân cảm thấy đau đầu, mệt mỏi nên được gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện huyện Phong Điền; trong lúc thăm khám bệnh nhân đột ngột tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức, bệnh nhân được cấp cứu hồi sức tim phổi và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Trong quá trình chuyển viện, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở lần 2.
Tình trạng lúc nhập viện của bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao, hôn mê sâu, thở ngáp, tím tái toàn thân, phản xạ đồng tử yếu, huyết áp cao 240/160 mmHg. Bệnh nhân nhanh chóng được đặt ống thở và thở máy.
Kết quả CT-scan sọ não và DSA mạch máu não cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình đốt sống bên phải. Ê kíp can thiệp nội mạch do bác sĩ Trịnh Thành Tín và cộng sự đã tiến hành đặt 3 coil (vòng xoắn kim loại) để bít túi phình.
Sau gần 2 giờ, các bác sĩ đã bít hoàn toàn túi phình mạch não và tái thông dòng máu trở lại bình thường. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - chống độc để hồi sức nội khoa sau can thiệp.
Quá trình hồi sức sau đó diễn ra rất khó khăn vì bệnh nhân bị viêm phổi nặng do hít sặc thức ăn trong quá trình hôn mê ban đầu. Bệnh nhân sốt cao 39 - 40 độ C liên tục, kích thích, vật vã.
Sau hơn 20 ngày điều trị tích cực, ngày 21/5, kết quả CT scan sọ não cho thấy bệnh nhân đã hết hiện tượng chảy máu não, được chỉ định ngưng thở máy, rút ống thở, tri giác cải thiện rõ, bệnh nhân tỉnh, trả lời và thực hiện y lệnh chính xác, hết sốt.
Theo bác sĩ Hà Tấn Đức - Trưởng Đơn vị can thiệp đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Túi phình động mạch đốt sống là một bệnh lý hiếm gặp, chiếm khoảng 2% các trường hợp túi phình trong não. Đây có thể coi là những sát thủ vô hình vì thường ít có triệu chứng đặc biệt nhưng khi có triệu chứng thì thường rất nặng do túi phình vỡ.
Bệnh phình động mạch não có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, riêng nguy cơ vỡ phình mạch thường gặp nhất ở người từ 55 tuổi trở lên, khoảng 20% ca phình mạch não xảy ra ở độ tuổi từ 15 đến 45.
Ngoài yếu tố tuổi tác, những người thường xuyên hút thuốc lá; cao huyết áp; uống nhiều rượu, bia; lạm dụng thuốc; phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có mức estrogen thấp; tiền sử gia đình bị phình mạch não; người bị chấn thương, tổn thương mạch máu… là nhóm có nguy cơ bị phình mạch máu não, được khuyến cáo cần khám tầm soát bệnh lý nguy hiểm này.