Can thiệp cứu sống kịp thời bệnh nhi bị vỡ lách do tai nạn sinh hoạt

Một bệnh nhi bị vỡ lách do tai nạn sinh hoạt vừa được Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ can thiệp cứu sống kịp thời.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: TTXVN phát

Bệnh nhi Trần Minh T. (nữ, 9 tuổi, ngụ tại Kiên Giang) nhập viện ngày 19/4 trong tình trạng có vết bầm nhẹ vùng hạ sườn trái, than đau, hoảng hốt.

Người nhà cho biết, trước khi nhập viện 1 giờ, bé chạy đùa với bạn trên bờ ruộng, trượt ngã đập vùng sườn trái vào đống đất khô trên ruộng, sau ngã bé đau nhiều và toát mồ hôi.

Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhi bị chấn thương lách, cần phẫu thuật gấp.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy rất nhiều máu cục khắp bụng, nhiều máu loãng không đông. Thám sát thấy lách vỡ gần như hoàn toàn, đang chảy máu. Do bệnh nhi nằm trong trường hợp tổn thương lách thể nặng và huyết động không ổn nên ê kíp quyết định cắt lách toàn phần.

Sau phẫu thuật diễn tiến hậu phẫu khá tốt, bé trung tiện sau 12 giờ phẫu thuật. Thể trạng khá dần, chỉ truyền thêm một đơn vị máu sau mổ. Bé được xuất viện vào ngày 26/4. Ngày 14/5, bệnh nhi đến tái khám, sức khỏe hồi phục tốt. Người nhà được các bác sĩ dặn dò kỹ quy trình chăm sóc bé sau phẫu thuật.

Theo Bác sĩ Tạ Vũ Quỳnh - Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ - chấn thương bụng kín chiếm 10 - 15 % trong tất cả chấn thương ở trẻ em. Lách là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong các chấn thương bụng kín. Bệnh nhân sau can thiệp cắt lách cần có chế độ chăm sóc đặc biệt.

Do lách đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn có hại nên sau khi phẫu thuật cắt bỏ lách bé rất dễ bị các bệnh nhiễm trùng nặng, đặc biệt là nhiễm khuẩn Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis, và Haemophilus influenzae. Những vi khuẩn này gây viêm phổi nặng, viêm màng não và những nhiễm trùng nghiêm trọng khác. Do đó, gia đình cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn tiêm chủng phòng ngừa các vi khuẩn này cho bé.

Bác sĩ Tạ Vũ Quỳnh khuyến cáo phụ huynh cần chú ý những trường hợp trẻ em chấn thương vùng bụng dưới sườn, nếu có biểu hiện bầm thành bụng, than đau bụng sau ngã nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa Nhi. Do có những trường hợp dù tổn thương lách bên trong rất trầm trọng nhưng chỉ biểu hiện vết bầm nhẹ bên ngoài da, bé nhỏ tuổi chỉ biết quấy khóc mà không mô tả đúng cơn đau... nên gia đình rất dễ coi nhẹ, bỏ qua triệu chứng, từ đó bỏ qua thời gian vàng trong cấp cứu. Nếu không can thiệp kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Ánh Tuyết (TTXVN)
Cứu sống bé gái sơ sinh bị dị tật hở thành bụng bẩm sinh
Cứu sống bé gái sơ sinh bị dị tật hở thành bụng bẩm sinh

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, đến ngày 11/5, tình trạng sức khỏe của bé gái N.N.T.V (23 ngày tuổi, ngụ tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bị dị tật hở thành bụng bẩm sinh, đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định, bú tốt, tăng cân và có thể xuất viện trong một vài ngày tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN