Cụ thể, bệnh nhân Nguyễn Văn Vĩnh, 66 tuổi, đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Khoa Nội tổng hợp, đột ngột lên cơn khó thở cấp tính và ngừng tuần hoàn tim.
Ngay sau khi hệ thống báo động đỏ của bệnh viện được phát đi một ekip các bác sĩ giỏi từ Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Khoa Nội tổng hợp đã nhanh chóng tập trung và tiến hành cấp cứu, hồi sức.
Sau 80 phút được các bác sĩ kiên trì tiến hành các biện pháp sốc điện, ép tim ngoài lồng ngực, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn…, tim của người bệnh đã đập lại và bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp tục các biện pháp hồi sức tích cực.
Bác sĩ Bùi Xuân Khánh, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết: Người bệnh được chuyển đến trong trạng thái hôn mê sâu, suy tuần hoàn, hô hấp, toan chuyển hóa nặng. Khả năng sống sót và hồi phục của người bệnh rất thấp bởi vì thời gian của các đợt ngừng tuần hoàn liên tiếp diễn biến quá lâu, gần 80 phút.
Tiếp đó, bệnh nhân Nguyễn Văn Vĩnh được lọc máu, sử dụng thuốc vận mạch, hô hấp nhân tạo, cân bằng kiềm toan, bồi phụ nước và điện giải, chăm sóc toàn diện… Hiện tại, người bệnh đã hồi phục hoàn toàn và bị di chứng lâu dài.
Ngưng tim còn gọi là ngừng tim phổi hoặc ngừng tuần hoàn là chấm dứt sự lưu thông bình thường của máu do tim ngừng đập. Hiện tượng cơ tim ngừng co bóp kéo dài ít nhất 60 giây làm cho tuần hoàn bị tê liệt. Ngừng hô hấp bắt đầu khoảng 20 - 60 giây sau ngừng tim.
Do hệ tuần hoàn ngừng hoạt động dẫn đến việc ngừng cung cấp oxy cho cơ thể. Thiếu oxy lên não gây ra mất ý thức, sau đó dẫn đến hô hấp bất thường hoặc ngừng thở. Nếu ngừng tim không được điều trị trong hơn năm phút có thể dẫn đến tổn thương não.