Theo gia đình bệnh nhân, tối 11/5, bé T.H.D có biểu hiện ho, sốt nên 1 người trong gia đình đã tự mua các loại thuốc gồm: Cefadroxil 500 mg, Alphachoay, Medrol 4 mg, Hapacol 250 mg về cho bé uống. Đến 20 giờ cùng ngày, bé có biểu hiện khàn tiếng, khó thở, phù nề vùng môi và mí mắt hai bên và được đưa đi cấp cứu.
Bé T.H.D vào viện trong tình tạng phù nề toàn bộ hai mắt, vùng môi, khàn tiếng, đau bụng quanh rốn, khó thở, tim nhịp không đều, huyết áp tụt... Các bác sĩ nhận định bé bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Sau khi tiêm Adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ), bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở, nhưng hai mắt và môi vẫn sưng nề. Khoảng 30 phút sau cấp cứu, bệnh nhân dần ổn định và được chuyển sang khoa Hồi sức Cấp cứu điều trị tại.
Sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm..., người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, với những bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng với thuốc và các dị nguyên, cần thận trọng khi sử dụng thuốc, nên mua thuốc theo đơn của bác sĩ kê sau khi khám bệnh tại bệnh viện, không nên tự ý mua thuốc về uống.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, toàn bộ bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ đều được khai thác kĩ và cấp thẻ dị ứng. Trên thẻ này có ghi rõ các dị nguyên đã ghi nhận gây sốc phản vệ cho bệnh nhân. Khi đi khám, chữa bệnh, bệnh nhân cần mang theo thẻ dị ứng này giúp các bác sĩ hiểu rõ về tiền sử bệnh của mình để có phác đồ điều trị phù hợp, tránh những sự cố y khoa đáng tiếc có thể xảy ra.