Cảnh báo tình trạng ngộ độc Botulinum ở Kon Tum 

Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành y tế tỉnh Kon Tum liên tục ghi nhận hai vụ ngộ độc Botulinum, khiến 6 người phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Điều đáng nói, những năm trước, Kon Tum chưa từng ghi nhận trường hợp nào ngộ độc Botulinum. Vì vậy, ngành y tế tỉnh cảnh báo tình trạng ngộ độc đang có chiều hướng gia tăng và khuyến cáo người dân cần sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn.

Bác sỹ Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, cho biết, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc Botulinum là do vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra. Loại vi khuẩn này phân bố rất rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất vườn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, bụi bẩn, nước ao, nước sông hồ, ruột gia súc. Đặc biệt, vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, thịt hộp để lâu ngày... Nguy hiểm hơn, xu hướng ngộ độc đang tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại thực phẩm không đủ chín trước khi ăn...

Tại Kon Tum, nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn rất lớn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do còn nhiều hủ tục trong chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Điều này dễ dàng nhận thấy bởi cả hai vụ ngộ độc Botulinum đều xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa.

“Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống chín, rửa tay với xà phòng, không ăn các món thịt, cá ủ chua, thịt gác bếp, phòng chống ngộ độc rượu và ngộ độc do độc tố tự nhiên, vệ sinh môi trường, triển khai hoạt động tuyên truyền nguyên nhân gây ra ngộ độc do độc tố Clostridium botulinum; chú trọng rà soát nắm kỹ các lễ, hội ở từng địa phương để hiểu rõ phong tục, tập quán làm cơ sở tuyên truyền để thay đổi hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm”, ông Đỗ Ngọc Hòa thông tin.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum khuyến cáo, về lâu dài, để chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm nói chung, nhất là ngộ độc thực phẩm do Botulinum nói riêng, người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần chủ động nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thực phẩm hàng ngày, lựa chọn thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm bị ôi thiu, có mùi hôi thối, ẩm mốc, biến chất, biến màu, quá hạn sử dụng; không sử dụng sản phẩm từ nấm, rau, quả, thịt, cá ủ lên men làm chua để dùng như mắm chua,… trong điều kiện không bảo đảm an toàn thực phẩm.

“Ngoài ra, bà con cần che đậy thức ăn sau khi nấu chín; đun nấu lại thức ăn trước khi sử dụng; bảo đảm nguồn nước sạch trong khi chế biến thực phẩm; bảo đảm nơi chế biến thức ăn phải khô ráo, vệ sinh sạch sẽ; rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với nguồn lây nhiễm khác; nước đá sử dụng để uống trong ngăn lạnh phải được lấy từ nguồn nước bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt, khi có các biểu hiện ngộ độc thực phẩm, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời”, bác sỹ Đỗ Ngọc Hòa nhấn mạnh.

Trước đó, vào tháng 3/2021, tại xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã xuất hiện một vụ ngộ độc Botulinum type E khiến 3 người nhập viện. Đến ngày 6/12, thêm một vụ ngộ độc Botulinum khác xảy ra tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, khiến 3 nạn nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Sau hơn một tuần điều trị, đến nay tình trạng của các bệnh nhân đã dần ổn định, không còn nguy hiểm đến tính mạng.

Dư Toán (TTXVN)
Thêm 3 trường hợp ngộ độc Clostridium Botulinum sau khi ăn bún riêu chay
Thêm 3 trường hợp ngộ độc Clostridium Botulinum sau khi ăn bún riêu chay

Ngày 26/3, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh, đến sáng cùng ngày đơn vị đã tiếp nhận thêm 3 trường hợp có cùng bệnh cảnh tương tự với bệnh nhân nghi ngộ độc Clostridium Botulinum có trong pate chay trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN