Trước đó, ngày 1/9/2020, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có văn bản hỏa tốc 1175/KCB-NV gửi y tế bộ, ngành, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo về việc phát hiện sớm ca bệnh ngộ độc Botulinum. Qua báo cáo của bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian vừa qua đã xảy ra một số trường hợp ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum liên quan đến thực phẩm pate chay mà cụ thể là Pate Minh Chay tại một số tỉnh, thành.
Để nhận biết ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum, các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng từ 12 - 36 giờ (tối thiểu 4 giờ, và tối đa 8 ngày) sau khi ăn uống thực phẩm nghi ngờ. Tình trạng bệnh điển hình là liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống (khởi đầu đau họng, khó nói, khó nuốt, sụp mi, song thị, nhìn mờ, ho khạc kém, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó yếu hai chân và liệt các cơ hoành, cơ liên sườn), không có rối loạn cảm giác, đồng tử có thể giãn hai bên. Liệt có thể nhẹ (yếu mỏi các cơ đơn thuần đến liệt hoàn toàn các cơ). Bệnh nhân vẫn tỉnh táo nếu không có thiếu oxy não. Về tiêu hóa, thường giảm nhu động ruột, táo bón.
Theo Sở Y tế, khi phát hiện người bệnh có các dấu hiệu trên, các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tiếp nhận, phân loại, cấp cứu ổn định và điều trị triệu chứng, thu nhận mẫu thực phẩm nghi ngờ, hội chẩn tại cơ sở hoặc hội chẩn với tuyến trên, đồng thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố.
Thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường thực hiện khám, phát hiện sớm ca ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội giải quyết các ca bệnh ngộ độc thực phẩm theo quy định và báo cáo Sở Y tế.