Trước đó, những người hút thuốc và các nhà cung cấp thuốc lá đã có khoảng thời gian làm quen với lệnh cấm nói trên. Lệnh cấm đã được thông qua vào năm 2014 và quá trình chuyển đổi của thị trường thuốc lá kéo dài 4 năm đã bắt đầu từ năm 2016. Tuy nhiên, thuốc lá bạc hà vẫn phổ biến ở một số nước, đặc biệt là khu vực Đông Âu.
Nhà chức trách lo ngại rằng nhiều người tiêu dùng sẽ tìm đến mặt hàng này ngoài chợ đen. Người tiêu dùng cũng có thể đi qua biên giới các nước châu Âu tới những quốc gia láng giềng EU như Thụy Sĩ để mua mặt hàng này.
Các nhà hoạt động nói "Không" với thuốc lá đã lên tiếng ủng hộ lệnh cấm nói trên. Theo họ, thuốc lá có mùi vị là một trong những cách thức để ngành công nghiệp này khuyến khích những người hút thuốc lá trẻ tuổi hình thành thói quen có hại cho sức khỏe.
Nhà hoạt động thuộc tổ chức chống thuốc lá tại Anh (ASH) Deborah Arnott cho rằng lệnh cấm trên vẫn tốn quá nhiều thời gian trước khi chính thức được thực thi, đồng thời cảnh báo mỗi ngày nước này lại có thêm 280 trẻ em bắt đầu hút thuốc lá.
Trong khi đó, tổ chức bảo vệ quyền lợi của người hút thuốc lá (Forest) lại không đồng tình với lệnh cấm, khi khẳng định thực tế diễn ra tại Canada cho thấy lệnh cấm tương tự không làm giảm hiện tượng hút thuốc lá ở trẻ em, nhưng lại khiến những người đủ tuổi hút thuốc mất đi quyền tự do chọn lựa sản phẩm.
Trong khi ở nhiều quốc gia thành viên EU, thuốc lá có mùi vị chỉ còn chiếm thị phần nhỏ, thì Hội đồng Thương mại Ba Lan khẳng định mặt hàng trên vẫn chiếm 30% doanh số thuốc lá tại nước này. Hội người tiêu dùng Ba Lan Forum Konsumentow đã công bố kết quả khảo sát cho thấy 51% số người hút thuốc không hề biết lệnh cấm dài hạn nói trên đã được ban hành.
Ngoài ra, 20% số người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ sẵn sàng mua thuốc lá bạc hà trên chợ đen. Tại Hà Lan, các báo cáo cho biết những người hút thuốc đã tích trữ thuốc lá có mùi vị trong nhiều tuần nay.